Thứ Bảy, 23/11/2024 11:01 (GMT +7)

Nước biển an toàn nhưng người nuôi tôm vẫn còn dè dặt

Thứ 2, 30/05/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Tâm lý chung của người nuôi tôm vẫn lo sợ nguồn nước còn bị ô nhiễm nên đang nấn ná đợi thêm thời gian mới quyết định thả nuôi.

Hiện tượng hải sản chết bất thường và nguồn nước biển bị ô nhiễm gây thiệt hại nặng nề đối với người nuôi tôm ven biển tỉnh Quảng Trị. Đến nay, địa phương này đã công bố kết quả nước biển an toàn và khuyến cáo người dân có thể sử dụng để nuôi tôm. Thế nhưng bà con vẫn dè dặt, chưa thả nuôi trở lại.

nuoc bien an toan nhung nguoi nuoi tom van con de dat hinh 0
Người nuôi tôm vẫn còn dè dặt chưa quyết định bơm nước nuôi tôm.

Gia đình ông Lê Văn Khái, ở thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong có 0,5 ha hồ nuôi tôm thẻ chân trắng. Khi tôm nuôi được 1 tháng tuổi, ông dùng nguồn nước biển thay hồ thì vài ngày sau tôm chết nổi đỏ bờ, nghi nguồn nước bị ô nhiễm. Ông Khái cho biết, riêng tiền tôm giống, gia đình ông thiệt hại hơn 120 triệu đồng. Đến nay, cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước biển kiểm nghiệm, khẳng định đảm bảo tiêu chuẩn nhưng ông vẫn phân vân, chưa dám thả nuôi mới vì sợ tôm lại chết.

“Đến nay 10 hộ nuôi tôm thì chỉ có 2 hộ thả nuôi lại, còn lại bỏ hoang không dám thả vì họ đang sợ nguồn nước vẫn còn ô nhiễm từ trước nên cần phải đợi thêm thời gian”, ông Khái cho biết.

Dọc vùng ven biển các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đang vào mùa cao điểm vụ nuôi mới, nhưng tình trạng người nuôi bỏ hoang ao hồ phổ biến. Tâm lý chung của người nuôi tôm là lo sợ nguồn nước biển vẫn còn bị ô nhiễm.

Ông Hoàng Công Hồng, Chủ tịch UBND xã Triệu An, huyện Triệu Phong cho biết, toàn xã có gần 100 ha ao hồ nuôi tôm, hầu hết sử dụng nguồn nước biển thả nuôi. Đến nay, hơn một nửa diện tích ao hồ toàn xã có tôm bị chết do sử dụng nước biển vẫn còn bỏ hoang hồ. Ông Hồng cho biết, bà con vẫn lo sợ nước biển chưa an toàn, không dám thả nuôi lại.

“Vốn đầu tư nuôi tôm của mỗi hộ tốn hàng trăm triệu đồng, nếu không may tôm chết người dân lo không có tiền trả nợ. Đến bây giờ dù chất lượng nước đã được công bố nhưng người dân vẫn dè dặt chờ nhau, không dám đem tôm về thả nuôi”, ông Hồng phân trần.

Thống kê của NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho thấy, toàn tỉnh có hơn 33 ha hồ nuôi ven biển có tôm bị chết do sử dụng nguồn nước biển và thay hồ trong thời gian xảy ra sự cố hải sản chết bất thường. Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị khẳng định, hiện nay nước biển nằm trong giới hạn an toàn.

Để người dân yên tâm sử dụng nước biển cho việc nuôi tôm, mới đây, Sở Nn&PTNT tỉnh Quảng Trị triển khai mô hình thí nghiệm nuôi tôm bằng nước biển tại xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh.

Ao nuôi thí nghiệm 1.000 mét vuông, được lót bạt và bơm nước biển vào. Sau đó, thả nuôi 10 vạn tôm thẻ chân trắng. Sau hơn nửa tháng, tôm phát triển bình thường. Từ kết quả này, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị kết luận, nguồn nước biển đảm an toàn, có thể sử dụng để nuôi tôm và khuyến cáo bà con yên tâm khôi phục sản xuất.

Ông Nguyên Hữu Huân, Trưởng phòng Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, mô hình thí điểm đã chứng minh nguồn nước hoàn toàn có thể dùng nuôi tôm. Để yêu tâm hơn, người nuôi vẫn phải qua xử lý với nguồn nước mới, đó là việc bình thường như trước đây người nuôi tôm vẫn thực hiện.

Gần 2 tháng sau hiện tượng hải sản chết hàng loạt, đến nay nguồn nước biển đã an toàn, có thể sử dụng để nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, người nuôi tôm ở tỉnh Quảng Trị vẫn còn dè dặt trong việc phát triển nuôi tôm. Mong muốn của người dân và chính quyền địa phương là cơ quan chức năng sớm công bố nguyên nhân hải sản chết bất thường thời gian vừa qua và có biện pháp đảm bảo an toàn nguồn nước biển giúp người dân yên tâm khôi phục lại sản xuất./.

Đình Thiệu-VOV-Miền Trung

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu