Sáng nay (22/8), tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Bộ Tài nguyên và Môi Trường tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế, sau sự cố Formosa xả thải độc làm cá chết hàng loạt.
Tháng 4 năm nay, sau khi xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng làm cá biển chết hàng loạt tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, các Bộ, ban ngành đã vào cuộc để tìm nguyên nhân. Ngày 28/6 vừa qua, Công ty Formosa đã nhận trách nhiệm xả thải ra môi trường, chấp nhận đền bù thiệt hại và công khai xin lỗi nhân dân cả nước.
Bộ Tài nguyên và Môi Trường đã huy động lực lượng tham gia tìm nguyên nhân, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cũng vào cuộc để quan trắc môi trường biển.
Tại hội nghị, các nhà khoa học cho biết, kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm hồi tháng 4 đến nay, nồng độ các chất độc hại đã giảm dần theo thời gian, biển cũng dần khôi phục trở lại. Minh chứng cho điều này là quần thể san hô ven biển đang bắt đầu phát triển sau thời gian chết hàng loạt, các loài cá nhỏ cũng xuất hiện trở lại.
Qua phân tích các mẫu trầm tích, đến thời điểm này, hàm lượng phenol và xyanua trong màng bám keo sắt ở 9 khu vực được khảo sát nghiên cứu đã giảm rất nhanh, nhiều nơi hàm lượng phenol đã giảm 90% so với thời điểm tháng 4, tháng 5/2016.
GS.TS Mai Trọng Nhuận, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng nhóm chuyên gia thực hiện đưa ra kết quả quan trắc môi trường sau sự cố cho biết: “Đến thời điểm tháng 6 và 7 đã không còn hiện tượng san hô bị tẩy trắng; trên rạn san hô đã phục hồi tự nhiên từ tập đoàn đã chết, từng phần hoặc ấu trùng san hô bắt đầu định cư và phát triển trên nền đáy rạn ở Hòn Nộm, Hải Vân, Sơn Trà. Cá kích thước nhỏ, các động vật đáy cỡ lớn chân các rạn san hô, cá bé dưới 10cm ở tất cả các điểm đều xuất hiện”.
Tại hội nghị này, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã công bố kết luận về chất lượng và mức độ an toàn đối với hải sản tại 4 tỉnh miền Trung. Theo số liệu giám sát của Bộ Y Tế, từ ngày 28/4 đến 8/8 năm nay, kết quả kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn của mẫu hải sản lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy: Hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện giám sát hải sản đánh bắt tại các vùng biển an toàn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
Về việc nhà máy thép Formosa, xả thải khiến cá chết hàng loạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đang giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải của nhà máy. Mỗi ngày, Bộ đều lấy mẫu xét nghiệm 1 lần, với 4 mẫu được thu thập kiểm tra. Nhóm nghiên cứu khẳng định, đến nay về cơ bản nước biển ở khu vực biển miền Trung an toàn, người dân và du khách yên tâm tắm biển.
PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ cho biết: “Những chất ô nhiễm hiện nay trong môi trường biển là do từ sự cố gây ra, về bản chất, các chất bị dạng phức sắc hấp thụ và theo thời gian thì nó nhả dần cũng như dưới tác động của dòng chảy. Chính vì vậy, bây giờ chúng ta thấy rằng trong trầm trích xyanua và phenol, thậm chí là keo sắt cũng đã giảm dần và ô nhiễm trong môi trường nước cũng đã có chiều hướng giảm”.
Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều đại biểu đặt câu hỏi: Hải sản do ngư dân đánh bắt về đã đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay chưa? GS. Mai Trọng Nhuận, đại diện cho nhóm nghiên cứu cho biết, các nhà khoa học mới triển khai giai đoạn 1 của quá trình nghiên cứu. Đến nay, theo kết quả phân tích thì mới kết luận nguồn nước an toàn. Còn về chất lượng hải sản, ông Nhuận nói Bộ Y tế đang nghiên cứu và chưa có kết luận.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường nhấn mạnh: Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển ven bờ khu vực miền Trung, Bộ và các địa phương sẽ triển khai đồng bộ công tác kiểm soát các nguồn thải, giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh; kết nối dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường biển….
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, nước biển miền Trung đạt quy chuẩn để tắm và nuôi trồng thủy sản./.
Ý kiến ()