Các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu vào đầu và cuối năm 2015 tại thủ đô Paris nước Pháp, cướp đi sinh mạng hàng trăm người và ý chí đoàn kết đấu tranh chống “bóng ma” IS đã biến nước Pháp thành tâm điểm của thế giới trong cuộc chiến chống khủng bố.
Từ Charlie Hebdo đến Bataclan
Đầu năm 2015, vừa qua một Noel êm đềm, cuộc xả súng tàn bạo ngày 7/1 tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, sát hại 12 người, ngay tại trung tâm Paris, khiến cả nước Pháp và thế giới bàng hoàng.
Mặc dù nghiêm trọng, nhưng người ta vẫn chỉ coi đây là hành động mang tính tự phát, đơn lẻ của 1-2 phần tử cuồng tín Hồi giáo, thường được gọi là “những con sói đơn độc”. Cuối năm, thảm kịch đêm 13/11 tại Paris đã thực sự gây chấn động toàn thế giới.
Lần đầu tiên, ở thủ đô nước Pháp diễn ra một cuộc tấn công khủng bố liên hoàn, tại nhiều điểm công cộng quan trọng, bằng thuốc nổ và tiểu liên AK, với cách thức trực diện, liều chết.
130 người chết, 352 người bị thương, riêng tại nhà hát Bataclan đã thực sự diễn ra một cuộc “tắm máu” với 89 khán giả bị sát hại, vào đúng dịp kỷ niệm 150 năm ngày khánh thành nhà hát.
Mục tiêu của bọn khủng bố không đơn thuần là những đối tượng “được lựa chọn” nữa (như những phóng viên, biên tập viên, chủ bút của tạp chí Charlie Hebdo đã “dám” đưa thánh Mohamed của Hồi giáo ra làm hình tượng châm biếm), mà cả dân thường, người nước ngoài. Công dân của nhiều quốc tịch khác nhau là nạn nhân trong sự kiện bi thảm này. Khủng bố đã nhằm cả vào các quán cafe, quán ăn, nhà hát… nơi tập trung nhiều dân thường tại hai quận thuộc hàng bình dân ở Paris. Nước Pháp đã thực sự bước vào “một cuộc chiến tranh”.
Pháp – mục tiêu lớn của khủng bố
Sở dĩ diễn ra một loạt các vụ tấn công trong năm 2015 nhằm vào nước Pháp là bởi Pháp là một trong những nước phương Tây đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố và chống chủ nghĩa cực đoan.
Pháp đã cùng với Mỹ và một số nước phương Tây tấn công các hang ổ của Al Qaeda tại Afghanistan, triển khai quân truy quét các nhóm khủng bố ở Mali, Trung Phi, và gần đây mở các cuộc oanh kích các vị trí của IS tại Iraq và Syrie.
So với Mỹ, Pháp ở vị trí IS dễ tiếp cận và thâm nhập hơn, bởi ở châu Âu, gần với Trung Đông hơn, là nước có một cộng đồng người Arập-Hồi giáo đông nhất, lại tiếp tục phải đón nhận dòng người tỵ nạn từ Trung Đông với tư cách một “trụ cột” của Liên minh châu Âu.
Niềm lạc quan
Trong khó khăn, bản lĩnh của một đất nước, một dân tộc càng được khẳng định, mà biểu hiện rõ nét là sự tự tin, niềm lạc quan. Giữa những đóa hoa, nến… tại chân tượng đài quảng trường Cộng hòa, thấy rất nhiều cuốn “Paris một ngày hội” của Hemingway.
Một hiện tượng lạ, có lẽ nhiều người muốn lấy tít cuốn sách để thể hiện niềm lạc quan sống và chia sẻ với các nạn nhân. Như trước biết bao biến cố trong lịch sử, sau những thảm kịch vừa qua, Paris rung động nhưng không hoảng hốt và vẫn bình thản tiếp tục cuộc sống. Các quán cafe vẫn đông khách. Trên đại lộ Champs Élysées, trung tâm Paris, không khí đón Giáng sinh vẫn tưng bừng với các dãy kiot chan hòa ánh sáng, ông già tuyết luôn mỉm cười đôn hậu, dòng người trôi phiêu diêu trong khúc “La vie en rose” (Cuộc sống màu hồng) của nữ danh ca Edith Piaf bất tử…
Hoàn cảnh xô đẩy, nước Pháp bỗng trở thành trung tâm của cuộc chiến chống khủng bố. Người ta hướng tới nước Pháp để chia sẻ và hy vọng. Khủng bố đã làm tổn thương, đánh thức niềm kiêu hãnh và thúc đẩy nước Pháp hành động. Những gì đang diễn ra cho thấy, đây là một cuộc chiến khó khăn, cần sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế.
Với sức hấp dẫn vốn có bởi bề dầy lịch sử và văn hóa, với những nỗ lực đang thể hiện, nước Pháp đang trở thành trung tâm đoàn kết chống khủng bố của thế giới./.
Thái Dương/VOV-Paris
Ý kiến ()