Thứ Ba, 26/11/2024 07:27 (GMT +7)

Ông Bùi Sĩ Lợi: Đã đến lúc tăng tuổi nghỉ hưu

Thứ 2, 13/03/2017 | 11:06:00 [GMT +7] A  A

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mới đây đã đưa ra dự báo: Đến năm 2031 sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH). Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Đã đến lúc tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu.

Giao dịch tại bộ phận “một cửa” của BHXH thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

“Dù tăng tuổi nghỉ hưu không phải là giải pháp tối ưu, nhưng có tác động cân bằng Quỹ BHXH. Do đó, trong Luật Lao động sửa đổi phải có tính toán lộ trình, nhóm nào tăng trước, nhóm nào tăng sau. Theo đó, ưu tiên tăng nhóm có trình độ cao. Tuy nhiên, hiện nay có nghịch lý là người trình độ cao muốn về hưu sớm để ra ngoài làm việc. Với nhóm lao động ngành nghề độc hại, chưa nên tăng tuổi nghỉ hưu ngay, nhưng khi điều kiện làm việc tốt hơn thì cũng tính toán tăng tuổi nghỉ hưu”, ông Bùi Sĩ Lợi phân tích.

Về vấn đề này, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho rằng: Theo phương pháp tính toán của toán học đơn thuần, thì việc mất cân đối Quỹ BHXH liên quan đến quan hệ đóng – hưởng. Hiện mức hưởng của người nghỉ hưu Việt Nam là 75% và mức đóng 22%, đều là mức cao nhất. Về mặt lý thuyết, nếu người lao động đóng đủ vào quỹ BHXH 30 năm, tức là 66 tháng lương. Khi về hưu nếu không tính lãi suất, người nghỉ hưu hưởng 88 tháng lương hưu, nếu cộng lãi suất đầu tư là 120 tháng, tương đương khoảng 10 năm. Bình quân tuổi nghỉ hưu Việt Nam là 53 tuổi, tuổi thọ người Việt Nam gần 73 tuổi, như vậy trung bình người về hưu sẽ hưởng 19 năm lương hưu. Do đó, Quỹ chỉ trả đủ lương hưu với 10 năm, vậy còn 9 năm do bảo hiểm tự chi trả và dẫn đến âm Quỹ BHXH. Nhà nước bảo hộ Quỹ BHXH có nghĩa là nếu hụt thì ngân sách sẽ phải chi trả. Để giảm mất cân đối quỹ thì giải pháp tính đến là tăng tuổi nghỉ hưu, dự kiến đề xuất tăng thêm 2 năm thì cả thời gian kéo dài thêm được 4 năm sẽ góp phần giảm mất cân bằng Quỹ BHXH”.

“Tuy nhiên, đó chỉ là tính toán kỹ thuật và việc quyết định về tuổi hưu còn đưa ra lấy ý kiến của các nhóm đối tượng trước khi thông qua Luật Lao động sửa đổi. Để giảm mất cân đối Quỹ BHXH, còn phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như giảm trốn đóng BHXH, quản lý Quỹ BHXH minh bạch qua công nghệ thông tin, tăng lợi ích đầu tư từ nguồn Quỹ BHXH”, ông Doãn Mậu Diệp cho biết thêm.

Còn ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng: “Để giám mất cân đối Quỹ BHXH thì có 3 giải pháp: Tăng mức đóng, giảm mức hưởng và tăng tuổi hưu. Giải pháp tăng mức đóng không khả thi vì mức đóng BHXH Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới, giảm mức hưởng lưu hưu cũng không thể vì tiền lương hưu thực lĩnh của lao động ở mức thấp. Do đó, tăng tuổi nghỉ hưu là giải pháp được tính toán giảm mất cân bằng Quỹ BHXH”.

“Trước mắt để giảm mất cân bằng Quỹ BHXH thì cần tăng nhóm đối tượng tham gia BHXH. Đầu tiên là nhóm đối tượng có hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng và nhóm BHXH tự nguyện có sự hỗ trợ mức đóng của Nhà nước. Các chính sách cho hai nhóm này đều thực thi từ 1/1/2018”, ông Bùi Sĩ Lợi cho biết thêm.

Được biết, Luật BHXH sửa đổi năm 2014 cũng đã từng đưa vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng Quốc hội đã không thông qua. Luật Lao động sửa đổi đang lấy kiến các bên, cũng đề cấp vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, trong đó có phương án nữ tăng từ 55 tuổi lên 57 tuổi, năm tăng từ 60 lên 62 tuổi. Dự kiến Luật Lao động sửa đổi sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tới.

TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu