Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 02:29 (GMT +7)
Ông Trần Hữu Nhượng – điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
Thứ 3, 05/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Hưởng ứng phong trào : “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” do Trung ương Hội nông dân phát động, thời gian qua nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện Bến Lức đã tích cực tìm tòi học hỏi, mạnh dạn đầu tư, góp phần đưa đời sống kinh tế gia đình nâng lên. Ông Trần Hữu Nhượng, xã Thạnh Đức là một trong những điển hình của phong trào này.
Trải qua hơn 10 năm chăn nuôi heo nhưng do giá cả thức ăn chăn nuôi biến động tăng cao, đầu ra cho sản phẩm không thuận lợi nên thu nhập từ chăn nuôi cũng không cao. Một lần tình cờ đến thăm người bạn của mình, ông Nhượng được chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi heo rừng. Qua thời gian trăn trở suy nghĩ, ông Nhượng nhận thấy nuôi heo rừng khả năng đem lại hiệu quả cao, thị trường tiêu thụ rộng và ổn định, nên ông Nhượng mạnh dạn quyết định chuyển hướng sang nuôi heo rừng.
Nuôi heo rừng mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Kim Phượng
Từ kinh nghiệm chăn nuôi của người bạn, của bản thân cộng với tìm hiểu qua sách báo nên việc chuyển con giống chăn nuôi tương đối thuận lợi. Đến nay, đàn heo rừng của ông có trên 80 con, đây là giống heo rừng có xuất xứ từ Malaysia với tên gọi là “Sư tử bạc má”. Theo ông Nhượng: heo rừng là loài ăn tạp nên chi phí thức ăn thấp hơn các giống heo khác. Hiện tại, ông tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp như: rau, củ, quả, cỏ, thân cây chuối để làm thức ăn cho heo. Ngoài những thức ăn trên thì cũng cần cung cấp tinh bột cho heo.
Hiện tại, ông Nhượng đang chăm sóc 50 con để cung cấp heo thịt cho một số công ty cung cấp dịch vụ ăn uống ở TP.Tân An. Còn lại khoảng 30 con heo ông để lại cho sinh sản và bán heo con. Mỗi con heo thịt sau khi nuôi một năm có thể xuất chuồng với giá bán từ 180 – 200 ngàn đồng/kg.
Bên cạnh chăn nuôi heo, năm 2003 ông Nhượng còn tận dụng 4 công đất ruộng để đào ao nuôi cá phi và cá chim trắng. Mỗi năm cho thu hoạch trên 2 tấn cá. Xung quanh nhà và ao cá ông tận dụng để trồng cỏ, trồng rau làm thức ăn cho heo rừng. Việc chăn nuôi heo rừng và nuôi cá được ông áp dụng theo mô hình VAC, góp phần giảm bớt chi phí đầu tư tăng lợi nhuận. Ước tính thu nhập hằng năm từ chăn nuôi heo rừng và nuôi cá của ông Nhượng là khoảng 300 triệu đồng. Ngoài là nông dân sản xuất giỏi, với cương vị là chi hội trưởng hội nông dân ông Nhượng còn được bà con nông dân trong ấp quý mến, ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ bà con trong quá trình chăn nuôi .
Với sự cần cù, chịu khó và mạnh dạn chuyển đổi con giống, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi khoa học trong quá trình sản xuất đã góp phần đưa kinh tế gia đình ông phát triển đi lên. Nhiều năm liền ông Nhượng đạt thành tích nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và năm 2014 là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Kim Phượng (Đài TT Bến Lức)
Ý kiến ()