Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng (01/03/1906-01/03/2016), sáng 26/2, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Phạm Văn Đồng – Nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam”.
Các tham luận tại hội thảo khẳng định, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Văn Đồng vô cùng phong phú, gắn liền với những trang sử vẻ vang của Đảng và dân tộc; là tấm gương mẫu mực về tinh thần yêu nước, suốt đời tận tụy phục vụ cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng đã cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Khẳng định những đóng góp của đồng chí Phạm Văn Đồng trong 32 năm với cương vị người đứng đầu Chính Phủ, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minhh) cho rằng: “Với trọng trách người đứng đầu cơ quan hành pháp, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trên 32 năm làm Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng có đóng góp rất lớn trong xây dựng bộ máy nhà nước, đặc biệt bộ máy hành pháp, hành chính nhà nước. Những cống hiến đó được toàn Đảng, toàn dân thừa nhận”.
Các tham luận tại hội thảo cũng tiếp tục khẳng định đồng chí Phạm Văn Đồng – nhà ngoại giao tài năng, có uy tín trên thế giới. Với cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, đồng chí Phạm Văn Đồng được Trung ương Đảng và Chính phủ cử làm Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ nước ta tham dự Hội nghị Geneve về lập lại hòa bình ở Đông Dương và Việt Nam.
Tiến sỹ Vũ Dương Huân, Học viện Ngoại giao Việt Nam cho rằng: “Buộc Pháp chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấp nhận giải quyết các vấn đề chính trị, là đóng góp to lớn của đoàn Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng đứng đầu. Đối với chúng ta, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình đi liền với việc Pháp công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Cuối cùng chúng ta đạt yêu cầu là Pháp chấm dứt chiến tranh, đồng ý lập lại hòa bình ở Việt Nam đó là hòa bình, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”.
Các đại biểu cũng khẳng định: Là nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, đồng chí Phạm Văn Đồng hết sức chú trọng văn hóa và phát huy vai trò của văn hóa trong hoạt động cách mạng.
Quan niệm của đồng chí Phạm Văn Đồng về văn hóa rất toàn diện và sâu sắc. Đồng chí nêu rõ: văn hóa là hiểu biết, khám phá và sáng tạo. Trong thời kỳ hoạt động cách mạng bí mật, đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết nhiều bài báo giàu tính chiến đấu trên tờ “Ý kiến chung”, “Người tù đỏ”.
Trong cuộc vận động tiến tới Cách mạng Tháng Tám, đồng chí được giao làm chủ bút, rồi phụ trách báo Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập.
Đồng chí Phạm Văn Đồng là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, trọn đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân./.
Ý kiến ()