Thứ Sáu, 22/11/2024 18:53 (GMT +7)

Pháp hỗ trợ Việt Nam 1,1 triệu USD xây chỉ dẫn địa lý nông sản

Thứ 4, 11/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 11/11, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo Khởi động Dự án Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam.

Dự án này do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ sẽ hỗ trợ Việt Nam cải tiến hệ thống đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý thông qua việc xây dựng một cách tiếp cận mới, từ phương pháp luận đến các vấn đề chính sách và thực tiễn trên cơ sở bài học kinh nghiệm của châu Âu, đặc biệt là Pháp, tiến gần đến sự hội nhập trong đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tổng kinh phí để thực hiện dự án là gần 1,3 triệu USD; trong đó vốn của AFD tài trợ là 1.097.400 USD, số còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án được giao cho Liên danh quốc tế triển khai thực hiện bao gồm : Trung tâm Phát triển Nông thôn (RUDEC); Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, (CASRAD) và Trung tâm Hợp tác quốc tế nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển, Cộng hòa Pháp (CIRAD).

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Thanh, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong chỉ dẫn địa lý, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý trên thị trường chưa nhiều, chưa tạo được sự nhận biết và tin tưởng của người tiêu dùng.

Pháp là nước đã thành công trong quá trình sử dụng chỉ dẫn địa lý để thúc đẩy sự phát triển sản xuất, thương mại, nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản đồng thời cũng là nước hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng hồ sơ để bảo hộ những chỉ dẫn địa lý đầu tiên. Vì vậy, dự án này thể hiện sự hợp tác hiệu quả và bền vững giữa hai nước về lĩnh vực phát triển chỉ dẫn địa lý, quyết tâm đưa chỉ dẫn địa lý trở thành một công cụ thương mại nền tảng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm.

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, để chỉ dẫn địa lý phát huy được giá trị thì việc quản lý và sử dụng cần có những cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp.

Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực của hiệp hội các nhà sản xuất trong tiếp cận thị trường cho 2 sản phẩm chỉ dẫn địa lý là hồ tiêu Quảng Trị và hạt điều Bình Phước.

Đối với hai địa phương này, cần có sự cam kết ủng hộ, phối hợp, hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân tỉnh: các cơ quan chuyên môn liên quan, doanh nghiệp và người dân hợp tác với Ban quản lý dự án, các thành viên liên danh trong quá trình dự án triển khai ở địa phương nhằm đáp ứng tiến độ, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói thêm.

Theo ông Bruno Vindel, Phụ trách dự án của AFD, một hệ thống chỉ dẫn địa lý hiệu quả cần dựa trên hai trụ cột, hoạt động tập thể ở cấp địa phương và các chính sách hỗ trợ. Tập thể địa phương là những doanh nghiệp, nhà sản xuất, chế biến, chính quyền địa phương. Nếu môi trường pháp lý ở cấp Trung ương không thuận lợi thì chỉ dẫn địa lý không thể đạt được hiệu quả.

Ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu Trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, thông qua dự án này sẽ đề xuất cơ chế liên bộ với vai trò cụ thể của các bộ, ngành, quy định được hội đồng tư vấn liên bộ về chỉ dẫn địa lý.

Một số đề xuất cụ thể được đưa ra tại hội thảo là bảo hộ chỉ dẫn địa lý 2 sản phẩm thí điểm trên thị trường trong nước; thành lập 2 mô hình tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý ở 2 địa phương thử nghiệm sản phẩm; xây dựng hai Hiệp hội doanh nghiệp, nông dân hoạt động hiệu quả trong quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý; x ây dựng và ban hành toàn quốc bộ tài liệu hướng dẫn về quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý, là cơ sở để tham khảo và hướng dẫn các địa phương khác./.

Trần Trung (TTXVN/Vietnam )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu