Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 06:51 (GMT +7)
Phát hiện vi phạm về kinh tế trên 59.400 tỷ đồng
Thứ 5, 12/01/2017 | 09:53:00 [GMT +7] A A
Ngày 11/1, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của ngành Thanh tra.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2016, toàn ngành đã triển khai hơn 6.580 cuộc thanh tra hành chính và gần 252.600 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế trên 59.400 tỷ đồng, 4.000 ha đất, đã kiến nghị thu hồi 37.957 tỷ đồng, 1.267 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 21.446 tỷ đồng, 2.735 ha đất; ban hành 162.894 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 5.400 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.763 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 90 vụ việc, 138 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2016, ngành Thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế trên 59.400 tỷ đồng. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Toàn ngành đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện gần 3.390 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 10.508/14.909 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 70,5% (tăng 12,2% so với năm 2015), 488/567 ha đất, đạt tỷ lệ 86% (tăng 15% so với năm 2015), đôn đốc xử lý 850 tập thể, 2.030 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 18 vụ, 23 đối tượng.
Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 23.397/27.164 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 86,1% (tăng 2,1% so với năm 2015). Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 30 vụ, 60 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 16 vụ, 20 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện 5 vụ, 5 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Tăng cường phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá, năm 2016, toàn ngành Thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao, trên các mặt công tác đều có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất nước, giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng nêu rõ công tác của ngành vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Việc xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra còn chậm, chưa sát với tình hình thực tế. Chất lượng kết luận một số cuộc thanh tra chưa cao, chưa huy động được ý kiến phản biện, góp ý chuyên sâu của các chuyên gia trong lĩnh vực thanh tra.
Trong giải quyết khiếu nại, chưa gắn việc tiếp công dân với đối thoại nên kết quả còn hạn chế; việc giải quyết còn chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết; việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tồn đọng, phức tạp kéo dài, chưa quyết liệt.
Tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngành Thanh tra cần tăng cường phát hiện và xử lý theo thẩm quyền những vi phạm pháp luật; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời các bất cập, thiếu sót trong hoạt động quản lý nhà nước; tham mưu xử lý tốt tình hình khiếu nại, tố cáo và tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng.
Ngành Thanh tra cần tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, tăng cường công tác thanh tra, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tạo chuyển biến rõ nét ngay trong năm 2017.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành cần tập trung thanh tra chuyên đề một số lĩnh vực, như việc quản lý, sử dụng đất đai tập trung vào việc chuyển đổi sử dụng đất an ninh – quốc phòng và nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại một số tỉnh, thành phố, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý xây dựng đất đai, môi trường tại một số khu công nghiệp, khu đô thị mới; thanh tra một số tổ chức tài chính có tỷ lệ nợ xấu cao, có nguy cơ mất vốn, tài sản; công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành thanh tra; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của ngành Thanh tra.
Ý kiến ()