Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 12:04 (GMT +7)
Phát triển diện tích đặc sản thanh trà xứ Huế
Thứ 2, 12/06/2017 | 09:56:00 [GMT +7] A A
Thanh trà xứ Huế nổi tiếng từ lâu, đặc biệt sau khi sản phẩm này được công nhận trong top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam (theo bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam) và diện tích loại cây này đang từng bước được khôi phục và phát triển nhanh.
Nhiều nhà vườn ở Thủy Biều, thành phố Huế trồng thanh trà kết hợp với kinh doanh nhà vườn theo dạng Homestay thu hút khách du lịch. |
Thanh trà hay còn gọi là bưởi thanh trà, là một trong những cây ăn quả đặc sản có múi, chất lượng ngon đã được trồng ở một số địa phương trong tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hiện nay, diện tích bưởi thanh trà toàn tỉnh có khoảng 1.114 ha. Trong đó, riêng xã Thủy Biều (thành phố Huế) có 127 ha/147 ha diện tích trồng đã cho thu hoạch, sản lượng thu hoạch đạt 450 – 500 tấn/năm.
Hàng năm, Thủy Biều tổ chức “Ngày hội tôn vinh đặc sản Huế”, thu hút khoảng 20 gian hàng giới thiệu đến người dân và du khách những trái thanh trà của những hộ nông dân được tuyển chọn từ những vườn có trái ngon nhất của phường Thủy Biều. Nhờ bưởi thanh trà mà người làm vườn ở phường Thủy Biều có mức thu nhập từ 20 – 25 tỷ đồng/năm.
Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên – Huế quy hoạch, mở rộng diện tích vùng trồng cây đặc sản thanh trà lên 1.400 ha và đưa loại cây này trở thành cây trồng có hiệu quả ở những vùng đất bãi phù sa ven sông, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều gia đình làm vườn có thêm thu nhập. Tỉnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ các mô hình khuyến nông để phát triển sản xuất; nghiên cứu về tình hình sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ; hỗ trợ những vùng trồng thanh trà (đặc biệt là ở Thủy Biều) xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên – Huế Hồ Sỹ Nguyên cho biết: Tỉnh tập trung mở rộng diện tích sản xuất, cải tạo vườn, liên kết vùng để thanh trà trở thành vùng sản xuất cây hàng hóa. Trên cơ sở diện tích đã được quy hoạch, những vùng đất đai đủ điều kiện, các địa phương có thể trồng thêm cây thanh trà để mở rộng diện tích, mạnh dạn cải tạo vườn cây tạp, loại bỏ những cây trồng khác không hiệu quả, chất lượng kém, cây bị sâu bệnh nặng để trồng lại theo quy hoạch, qua đó để có thể đầu tư thâm canh.
Tỉnh khuyến khích các địa phương liên kết giữa các hộ gia đình có vườn cây, giữa các địa phương có trồng cây thanh trà để học hỏi kinh nghiệm, tổ chức liên kết sản xuất thành vùng có sản phẩm hàng hóa, có đầu mối liên kết thị trường tiêu thụ. Khi mở rộng diện tích, trồng mới, người sản xuất cần quan tâm đến chất lượng giống, hạn chế nhân giống bằng phương pháp chiết cành, nên sử dụng những cây giống ghép được nhân từ các cây thanh trà đã được bình tuyển là cây đầu dòng (Hội đồng bình tuyển của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên – Huế đã bình tuyển 8 loài bưởi thanh trà đầu dòng trên địa bàn tỉnh).
Ngoài ra, các địa phương trong vùng cần đầu tư hệ thống tưới tiêu để cung cấp nước đầy đủ cho cây thanh trà và thoát nước kịp thời trong mùa mưa lũ. Tỉnh tiếp tục đầu tư và đưa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và hỗ trợ các cá nhân (hộ gia đình), các địa phương canh tác theo hướng sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP để trong thời gian tới thanh trà xứ Huế vươn lên chiếm lĩnh thị trường.
Ý kiến ()