Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 07:40 (GMT +7)
Phát triển nguồn nhân lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Thứ 7, 10/10/2020 | 09:40:00 [GMT +7] A A
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Đây là khu vực được đánh giá là một trong những vùng kinh tế năng động nhất của cả nước. Do đó, việc phát triển nguồn nhân lực cả về lượng và chất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương cũng như toàn vùng là rất cần thiết.
Nhu cầu từ thực tế
Một góc thành phố Đồng Xoài, trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Bình Phước. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Thành phố Hồ Chí Minh cùng với các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương nói riêng, toàn vùng nói chung. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Năm 2020, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia kiểm soát dịch COVID-19 thành công. Song nhìn từ góc độ nguồn nhân lực, lao động và việc làm vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bối cảnh này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn có những cơ hội để người lao động nắm bắt và nỗ lực. Dự báo, giai đoạn 2020-2025, toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mỗi năm cần khoảng 640.000 chỗ làm việc, trong đó khoảng 85% nhân lực đã qua đào tạo.
Đề cập về nhu cầu nguồn nhân lực tại Bình Dương, địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhiều thế mạnh về phát triển công nghiệp, theo Thạc sỹ Lâm Nguyễn Hoài Diễm (Trường Đại học Thủ Dầu Một), mỗi năm Bình Dương cần tuyển khoảng 40.000 – 50.000 lao động, trong đó có khoảng hơn 70% lao động đã qua đào tạo nghề.
Đối với dự báo ngắn hạn, theo thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 tháng cuối năm 2020, những tín hiệu khả quan từ việc khống chế dịch COVID-19 đã giúp các hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại bình thường, các hoạt động xuất nhập khẩu đang được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu xây dựng kế hoạch tuyển dụng lao động mới để phục vụ cho đợt sản xuất cao điểm cuối năm. Do đó, thị trường lao động thành phố trong những tháng cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực kể cả khu vực chính thức và phi chính thức.
Về nhu cầu nhân lực, trong 3 tháng cuối năm 2020, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cần khoảng 62.000 – 65.000 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm nghề như kinh doanh – thương mại, dịch vụ vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng, chế biến lương thực – thực phẩm, dịch vụ phục vụ, công nghệ thông tin – bưu chính – viễn thông, điện – điện tử – điện lạnh, dịch tư vấn chăm sóc khách hàng…. Trong đó, nhu cầu tuyển lao động đã qua đào tạo chiếm trên 85%.
Nhiều giải pháp phù hợp
Quận 2 là quận mới được đô thị hóa, trong tương lai gần là trung tâm thương mại, tài chính mới của TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: vietnam.vnanet.vn
Trước nhu cầu thực tế, để phát triển nguồn nhân lực cho các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đáp ứng được yêu cầu cả về lượng và chất, cần có những giải pháp đồng bộ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, phù hợp sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng địa phương trong vùng. Theo các chuyên gia Trần Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Văn Tuyên (Trường Đại học Lao động – Xã hội, cơ sở 2), các địa phương trong vùng cần thực hiện các biện pháp như: Tiếp tục quản lý hiệu quả nguồn lao động, cập nhật tình trạng thất nghiệp, mất việc làm, di chuyển chỗ làm việc, nhu cầu học nghề, nhu cầu việc làm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường quản lý nhà nước về cung – cầu lao động, xây dựng kho dữ liệu thị trường lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và từng địa phương, tăng cường kết nối cập nhật các dữ liệu như cung-cầu lao động, biến động lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo…
Các địa phương cần tăng cường định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề; đào tạo người lao động phù hợp phát triển thị trường lao động; xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo tổng thể và chỉ tiêu đào đạo của từng trường, gắn kết với nhu cầu thực tế của từng địa phương và toàn vùng theo ngành nghề và trình độ đào tạo. Các địa phươg phát triển các tổ chức hướng nghiệp chuyên nghiệp để mở rộng hoạt động hướng nghiệp cho học sinh các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông trên địa bàn 8 tỉnh, thành và liên kết toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Một trong những địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển nguồn nhân lực từng bước đáp ứng yêu cầu là Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề tại thành phố đạt khoảng 85% trong tổng số lao động đang làm việc. Riêng tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm đạt khoảng 87%. Chương trình, giáo trình nghề nghiệp được chuẩn hóa của các cơ sở đào tạo trên địa bàn được biên soạn theo hướng hiện đại, học viên tốt nghiệp có chất lượng và tỷ lệ có việc làm đạt trên 85%.
Có được kết quả này, theo các chuyên gia, là do Thành phố Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm và định hướng cụ thể việc phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện; có những chủ trương, cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo, nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, không chỉ về quy mô mà còn cả về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các cấp học. Thành phố đã có những chủ trương phát triển giáo dục và đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chủ động liên kết hợp tác quốc tế để tiếp cận với giáo dục tiên tiến của thế giới…
Thạc sỹ Nguyễn Võ Hoàng Mai (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất, thời gian tới, để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục chú trọng đào tạo lao động có trình độ phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, thành phố tập trung nguồn nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao; đảm bảo nhu cầu lao động có chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ (tài chính – ngân hàng – bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học công nghệ, y tế; giáo dục và đào tạo) và 4 ngành công nghiệp (cơ khí; điện tử – công nghệ thông tin; hóa chất – nhựa – cao su; chế biến lương thực thực phẩm) vốn là thế mạnh của thành phố. Đồng thời, thành phố từng bước chủ động tham gia tích cực, hiệu quả thị trường lao động kỹ thuật cao trong khu vực và quốc tế…
Trong khi đó, nhìn từ Bình Dương, Thạc sỹ Lâm Nguyễn Hoài Diễm (Đại học Thủ Dầu Một) nhận định: Đa số lao động trong các khu công nghiệp ở Bình Dương là lao động trẻ, có khả năng thích nghi và đáp ứng yêu cầu làm việc với cường độ cao trong môi trường công nghiệp. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với định hướng phát triển công nghiệp của Bình Dương là giảm thiểu các ngành thâm dụng lao động, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và kỹ thuật cao, lực lượng lao động trẻ sẽ dễ dàng học tập, tiếp thu và thích nghi với các kỹ thuật, trình độ sản xuất tiên tiến, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.
Mô hình khu công nghiệp tự đào tạo nghề, gắn kết các trường nghề với nhu cầu của doanh nghiệp đang là một giải pháp có nhiều ưu thế ở Bình Dương. Hiện một số khu công nghiệp ở Bình Dương đã xây dựng các cơ sở dạy nghề như: Trường Cao đẳng nghề (trước đây là Trung tâm Dạy nghề) Việt Nam – Singapore của Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore, Trường Cao đẳng nghề Đồng An của Khu Công nghiệp Đồng An, Trường Trung cấp nghề Khu Công nghiệp Bình Dương của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương. Do nắm rõ nhu cầu lao động của các khu công nghiệp, các cơ sở đào tạo này có thể tập trung vào nhóm ngành mà thị trường lao động đang có nhu cầu. Bên cạnh đó, do có sự liên kết với các doanh nghiệp, công tác đào tạo và hoạt động thực tiễn cũng thuận lợi hơn. Học viên có thể thực tập tại các doanh nghiệp, tiếp cận được môi trường làm việc và máy móc, thiết bị thực tế trong doanh nghiệp, sau khi tốt nghiệp sẽ được chính doanh nghiệp này tuyển dụng…
Song, đặc thù của Bình Dương là đa số lao động trong các khu công nghiệp là lao động ngoại tỉnh. Do vậy, các đơn vị chức năng của tỉnh cần tiếp tục coi trọng việc tạo điều kiện ổn định số lượng lao động đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Chính quyền, Ban Quản lý các khu công nghiệp và người sử dụng lao động nắm bắt, theo dõi tình hình của lao động nhập cư và có nhiều hơn các chính sách khuyến khích những lao động có chất lượng tốt, tay nghề cao yên tâm định cư, làm việc lâu dài tại địa phương.
https://baotintuc.vn/kinh-te/phat-trien-nguon-nhan-luc-cho-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-20201010083822893.htm
Ý kiến ()