Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 30/11/2024 02:52 (GMT +7)
Phí cao tốc Bắc – Nam: Phải tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch
Thứ 4, 22/11/2017 | 14:59:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Nghị quyết Quốc hội yêu cầu phải bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá dịch vụ trên cao tốc Bắc – Nam.
Với tỷ lệ tán thành cao (83,10%), sáng nay (22/11), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào khai thác là 1.500 đồng/km. Sau đó, theo lộ trình, cứ 2 – 3 năm tăng 200 – 300 đồng. Mức thu cao nhất là 3.400 đồng/km (Ảnh minh họa: KT) |
Nghị quyết nêu rõ: Giá sử dụng dịch vụ đường bộ của Dự án cao tốc Bắc – Nam được xác định theo nguyên tắc xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của nhà đầu tư và lợi ích nhà nước. Bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị xem xét mức giá và phương thức thu giá dịch vụ của Dự án vì mức giá này là quá cao so với 1 đoạn đường cao tốc hiện hữu là cao tốc TP HCM – Trung Lương là khoảng 1.000 đồng/km.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo trình Quốc hội mức phí bình quân 2.500 đồng/km. Bước đầu xin thu những năm đầu từ 1500 đồng/km và tăng dần đến cuối kỳ là 3.400 đồng/km)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đường cao tốc TP HCM – Trung Lương được đầu tư toàn bộ bằng ngân sách nhà nước và bán quyền thu giá để tạo nguồn thu ngân sách đến năm 2020. Mức thu giá hiện tại dự án là 1.000 đồng/km, theo lộ trình dự kiến mức thu giá năm 2020 khoảng 1.700 đồng/km để đầu tư cho đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Mức thu giá dự kiến của các tuyến thuộc Dự án nhìn chung không cao so với mặt bằng chung của các dự án cao tốc khác.
Trước đó, trong tờ trình về Dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã trình mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Bộ trưởng Thể cho biết, trên cơ sở quy định của Luật giá, để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường, mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ khoảng 2.500 đồng/xe con tiêu chuẩn/km (tương ứng với thời gian kinh doanh khoảng 24 năm và phần vốn góp Nhà nước giai đoạn 2017 – 2020 khoảng 55.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, mức giá này tại thời điểm bắt đầu khai thác là khá cao, vượt quá sức chi trả của người dân, không thu hút các phương tiện nên không hiệu quả. Trường hợp áp dụng mức giá cố định khoảng 1.500 đồng/xe con tiêu chuẩn/km sẽ phù hợp với sức chi trả của người dân thời điểm bắt đầu khai thác nhưng phần vốn góp của Nhà nước sẽ tăng thêm khoảng 25.380 tỷ đồng.
Để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào kinh doanh khai thác (khoảng 1.500 đồng/xe con tiêu chuẩn/km) và mức giá cụ thể cho từng thời kỳ trong vòng đời dự án làm cơ sở tính toán phần vốn góp của Nhà nước và xác định giá gói thầu để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, ông Thể lưu ý.
Theo “tư lệnh” ngành giao thông vận tải, mức giá từng thời kỳ phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP đầu người được Ngân hàng thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tại tài liệu nghiên cứu “Việt Nam 2035, Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” xuất bản năm 2016 (GDP bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam ở mức 5.370 USD, năm 2035 khoảng 18.000 USD với tốc độ tăng trường GDP 6%/năm, 15.000 USD với tốc độ tăng trưởng GDP 5%/năm tính theo giá PPP năm 2011)./.
Trần Ngọc/VOV.VN
Ý kiến ()