Thứ Tư, 27/11/2024 11:38 (GMT +7)

Phiên họp toàn thể lần thứ 21 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Thứ 3, 29/06/2021 | 16:52:00 [GMT +7] A  A
Đã đăng vào 29/06/2021 lúc 16:52

Sáng 29/6, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 21. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo Phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN

Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều

Khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Phiên họp thứ 21 là phiên họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nhưng lại là phiên họp quan trọng khi xem xét, thẩm tra, cho ý kiến những vấn đề quan trọng của đất nước để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 58 và trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ Nhất. Tại Phiên họp này, Ủy ban sẽ xem xét 2 nội dung: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là 2 nội dung quan trọng.

Về Chương trình giảm nghèo, kết quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2016 – 2020 đã đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, chênh lệch về thu nhập, đời sống người giàu – người nghèo còn lớn. Một số cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn; nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng việc xây dựng Chương trình giảm nghèo trong giai đoạn mới cần bảo đảm sự thống nhất với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Việc xây dựng Chương trình cần được triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều; đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người nghèo, vùng nghèo, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số; hoàn thiện chính sách giảm nghèo phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế đồng thời gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực giảm nghèo, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra là: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Nghị quyết 21 ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020 đã nâng tầm chính sách bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội trở thành trụ cột chính sách của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Trong những năm qua, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Tuy nhiên, thực tiễn còn những vấn đề cần được quan tâm trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội; việc quản lý, sử dụng các quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội; tình trạng chậm đóng, nợ đóng, trốn đóng và trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, lần thẩm tra này có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là một trong những căn cứ để sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội và chuẩn bị thẩm tra đề xuất chi phí quản lý quỹ bảo hiểm xã hội trong 3 năm tới. Các vấn đề mà Ủy ban xem xét trong Phiên họp và ý kiến thẩm tra của Ủy ban sẽ là căn cứ quan trọng để các đại biểu Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025.

Bảo đảm không trùng lặp

Trong phiên làm việc sáng nay, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã xem xét, cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025 là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Việc xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Chương trình cũng tập trung giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế – xã hội cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia; xác định các mục tiêu cụ thể và các giải pháp đột phá để góp phần hoàn thành các mục tiêu vì sự phát triển bền vững.

Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ đã rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề xuất Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước. Cụ thể: Không đưa các dự án thuộc các nhiệm vụ thường xuyên vào Chương trình; chủ trương đầu tư Chương trình đã thu gọn, giảm từ 5 dự án (15 tiểu dự án) xuống còn 4 dự án (11 tiểu dự án). Tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện được điều chỉnh giảm từ 102.815 tỷ đồng xuống còn 90.260 tỷ đồng.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội tán thành sự cần thiết ban hành Chương trình. Hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cơ bản cần đầy đủ theo quy định của Luật Đầu tư công; nội dung cần đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 – 2025.

Nhiều ý kiến đánh giá rằng Chính phủ đã quan tâm, bảo đảm Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025 không có sự trùng lặp với nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, nội dung Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, việc rà soát cho thấy, một số dự án, tiểu dự án có nội dung gần tương đồng nhau trong 3 chương trình.

Các ý kiến chỉ rõ, sự trùng lặp này là do chưa làm rõ, thống kê chính xác đối tượng, địa bàn, chưa cụ thể hóa được nội dung hỗ trợ đầu tư đến từng đối tượng cụ thể và trách nhiệm của từng chương trình. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục rà soát vấn đề này sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, để tránh trùng lặp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới dự kiến không đầu tư tại 70 huyện nghèo và 200 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững. Tuy nhiên, một số ý kiến lưu ý, điều này cần phải cân nhắc vì Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững sẽ không thể thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Điều này tạo sự khó khăn cho các địa bàn trong thực hiện tiêu chí về nông thôn mới. Do đó, các thành viên Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp rà soát, phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung hoạt động có thể trùng lặp hoặc bỏ sót giữa 3 chương trình để đề xuất cơ chế lồng ghép, tích hợp các nội dung hoạt động, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Phan Phương (TTXVN)
https://baotintuc.vn/thoi-su/phien-hop-toan-the-lan-thu-21-uy-ban-ve-cac-van-de-xa-hoi-cua-quoc-hoi-20210629121822166.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu