Chủ Nhật, 24/11/2024 08:32 (GMT +7)

Phòng chống thiên tai, cả hệ thống chính trị vào cuộc

Thứ 7, 19/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Năm 2016, trước tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm và dữ dội, toàn bộ tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhanh công tác ứng phó.

Thu hoạch lúa đông xuân ở xã Bình Đông, thị xã Gò Công, Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

 

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Tiền Giang ngày 16/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao thành quả tỉnh đạt được trong phòng chống hạn mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân. Kết quả này có được nhờ sự vào quyết liệt của các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Năm 2016, ở Tiền Giang, hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm và dữ dội đe dọa trực tiếp các huyện vùng dự án ngọt hóa Gò Công. Cống Xuân Hòa – cống lấy nước chủ yếu cho toàn vùng dự án, cuối cùng phải đóng bảo vệ gần 30.000 ha lúa đông xuân 2015 – 2016 trong nội đồng vào ngày 5/1/2016, sớm hơn hai tháng so với cùng kỳ năm trước.

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, toàn vùng có trên 500 ha lúa đông xuân mới xuống giống tại các xã ven biển của huyện Gò Công Đông chết do hạn mặn; hàng ngàn hộ dân thuộc các xã Bình Đông, Bình Xuân (thị xã Gò Công); khu vực Phước Trung, Tăng Hòa, Tân Điền, Tân Thành (Gò Công Đông) bị “đứt” nguồn cung nước ngọt sinh hoạt. Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể triển khai nhanh công tác ứng phó hạn mặn.

Ngày 5/2/2016, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng, không kể ngày lễ, ngày tết, ngày thứ bảy, chủ nhật, tranh thủ mọi lúc và mọi thời gian, trực tiếp xuống địa bàn, lội đến từng mảnh ruộng đang xác xơ vì khô hạn để đưa ra quyết sách hợp lý, kiểm tra tình hình thực hiện các giải pháp quyết liệt.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, đơn vị quản lý vận hành hệ thống thủy lợi dự án ngọt hóa Gò Công, đã bố trí trực 24/24 giờ quan trắc và thông báo kịp thời tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và chủ động xử lý.

Đặc biệt, các ca trực tại cống Xuân Hòa có trách nhiệm quan trắc mặn, vận hành cống lấy nước một cách khoa học bổ cấp cho nội đồng. Anh Nguyễn Thanh Lâm, công nhân trực tại đây cho biết, nhiệm vụ của anh là quan trắc mặn 30 phút/ lần, lúc cao điểm 15 phút/ lần. Nhờ việc quan trắc mặn kịp thời tạo cơ sở vận hành các cửa cống lấy gạn nước ngọt ngoài sông Tiền khi có điều kiện vào bất kỳ giờ nào trong ngày.

Triển khai các biện pháp chống hạn và xâm nhập mặn, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang khẩn cấp trang bị thêm 16 thuyền bơm lưu động có công suất bơm 32.000 m3/giờ bơm bổ cấp nước chống hạn. Ngoài ra, toàn vùng tổ chức 666 điểm bơm chuyền hai, ba cấp ứng cứu 21.600 ha lúa đông xuân.

Quan tâm đến vấn đề nước ngọt sinh hoạt cho nhân dân tại điểm nóng Bình Đông, Bình Xuân (thị xã Gò Công), sau khi thị sát tình hình, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp nước Tiền Giang tổ chức thi công đường ống đưa nước từ thị xã Gò Công về cung cấp ngay cho nhân dân.

Công ty đã tập trung trên 150 công nhân với nhiều phương tiện, thiết bị chuyên dùng thi công ráo riết nên chỉ sau 10 ngày, đường ống hoàn thành và những giọt nước ngọt vô giá trong thời khắc đầy khó khăn đã đến từng hộ dân. Tương tự, công trình đưa nước ngọt từ thị xã Gò Công về huyện Gò Công Đông cũng hoàn thành trong thời gian ngắn kỷ lục. Hai công trình trên kịp thời “cứu khát” trên 5.300 hộ dân chưa kể gần 7.000 hộ dân khác được hưởng lợi từ 122 vòi nước công cộng mở cung cấp miễn phí.

Ở mặt trận chống hạn cứu lúa phía Tân Điền, Tân Thành (Gò Công Đông), các điểm bơm chuyền hai, ba cấp đang hoạt động 24/24 ráo riết bơm đưa nước lên ruộng, khí thế hết sức quyết liệt. Điểm bơm Cầu Hộ, xã Tân Điền trên kênh Champeaux có đến 24 máy bơm lớn nhỏ cùng hoạt động.

Thực hiện chỉ đạo, Công ty Điện lực Tiền Giang trong ngày 12/3 đã gấp rút điều gần 40 công nhân thuộc lực lượng xung kích phòng chống thiên tai của các đơn vị trực thuộc: Điện lực Gò Công Tây, Điện lực thị xã Gò Công, Điện lực Gò Công Đông thi công và hoàn thành hai trạm biến áp, kéo 600m đường dây điện hạ thế đáp ứng nhu cầu các thuyền bơm lưu động bơm ứng cứu lúa đông xuân gieo sạ trễ tại huyện Gò Công Đông.

Ngày 15/3, khi đi kiểm tra tình hình khắc phục hạn mặn tại các xã ven biển Gò Công, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phấn khởi cho biết: “Trà lúa đang vào thời kỳ thu hoạch, đánh giá năng suất khá. Vậy là thành công rồi”. Theo ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, gần 500 ha lúa đông xuân thu hoạch đầu vụ của các xã vùng sản xuất 2 vụ/ năm như: Tân Điền, Tân Thành đạt năng suất bình quân 60 tạ/ ha.

Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cho biết, tính đến nay, toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công, chỉ có khoảng 1.160 ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại do thiên tai trong tổng diện tích gieo sạ gần 30.000 ha. Vấn đề nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa hạn mặn cũng cơ bản được giải quyết. Đó có thể coi là thắng lợi bước đầu của cả hệ thống chính trị trên mặt trận ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, củng cố thêm niềm tin của quần chúng nhân dân vào các chủ trương, chính sách Đảng và Nhà nước. Kết quả quan trọng này khích lệ, động viên rất lớn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh trong công cuộc đối phó với thiên tai những ngày tới mà dự báo còn rất cam go, thử thách.

Minh Trí (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu