Thứ Tư, 27/11/2024 11:42 (GMT +7)

Phòng vệ thương mại và ‘sự thờ ơ’ của doanh nghiệp Việt

Thứ 5, 03/09/2020 | 08:49:00 [GMT +7] A  A

Gia tăng các biện pháp bảo hộ trong thương mại quốc tế đang là xu thế mà nhiều quốc gia sử dụng để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là khi sản xuất của các nước bị đình đốn trước tác động của dịch bệnh COVID-19.

Cùng với đó, với các ưu đãi về thuế từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới; trong đó có Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị đưa vào tầm ngắm điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được dự báo sẽ gia tăng.

Vậy giải pháp nào giúp doanh nghiệp chủ động bảo vệ quyền lợi của mình trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương.

Các dây chuyền dệt may của Công ty Cổ phần dệt may Phú Hòa An tại KCN Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Theo thống kê, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý 176 vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong khi Việt Nam mới điều tra, áp dụng 17 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập khẩu. Con số này cho ta thấy điều gì, thưa ông?

Cho đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã tiếp nhận, xử lý 176 vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó số vụ việc của chúng ta điều tra để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước mới dừng lại con số 17.

Các biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là các biện pháp được áp dụng rất là phổ biến trong thương mại quốc tế.

Các biện pháp này được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như các hiệp định thương mại tự do cho phép sử dụng để hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước, nhằm bảo vệ và đảm bảo điều kiện cạnh tranh công bằng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đối với nhiều nước thì các biện pháp này được áp dụng từ lâu. Với Hoa Kỳ, Canada hay EU thì họ đã có những quy định về phòng vệ thương mại cách đây gần 100 năm.

Đối với Việt Nam, các công cụ về phòng vệ thương mại là nội dung tương đối mới với các cơ quan quản lý cũng như với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua Việt Nam cũng đã chủ động thúc đẩy công tác về phòng vệ thương mại. Về mặt thể chế, Chính phủ đã thành lập Cục Phòng vệ thương mại trực thuộc Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối xử lý các nội dung về phòng vệ thương mại.

Cùng với đó, trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định về chương trình hành động để nâng cao năng lực cho các ngành sản xuất trong nước về phòng vệ thương mại.

Không chỉ Hoa Kỳ, EU mà ngay cả nhiều nước trong khối ASEAN cũng đang sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam. Theo ông, vì sao lại có hiện tượng như vậy?

Đầu tiên là nguyên nhân khách quan, đó là kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã gia tăng nhanh trong thời gian qua.

Nếu như năm 2007 khi Việt Nam mới gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 100 tỷ USD thì đến năm 2019 Việt Nam đã đạt tới con số 500 tỷ USD.

Như vậy, trong vòng 12 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp năm lần và với việc gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu thì số lượng các vụ kiện phòng vệ thương mại với cái hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ gia tăng.

Dù số vụ kiện phòng vệ thương mại gia tăng nhưng có thể thấy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng được năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vì vậy để bảo vệ các ngành sản xuất, các nước nhập khẩu sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Một lý do nữa, thời gian qua nhiều nước tăng cường áp dụng biện pháp bảo hộ, đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa một số đối tác kinh tế lớn có sự tranh chấp thì xu thế tăng cường các biện pháp mà đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng theo.

Cùng với việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hàng hóa Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi từ các hiệp định này và đó cũng là lý do để các nước nhập khẩu tăng cường điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam.

Vậy theo ông thì điều gì đang cản trở doanh nghiệp Việt sử dụng các công cụ để phòng vệ thương mại điện tử?

Từ năm 2016 cho tới nay, Việt Nam đã tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.

Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng 17 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập khẩu, riêng từ năm 2016 đến nay Việt Nam đã khởi xướng trên 10 vụ kiện phòng vệ thương mại. Đây cũng là một xu thế tích cực, thể hiện nhận thức và khả năng sử dụng các biện pháp này của các ngành cũng như của doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng có một số hạn chế, đó là nhận thức về các công cụ phòng vệ thương mại, bởi dù là công cụ được phép sử dụng, tuy nhiên việc sử dụng phải đáp ứng những tiêu chí rất chặt chẽ của WTO cũng như của các hiệp định tự do thương mại tự do.

Yếu tố thứ hai đó là các biện pháp phòng vệ thương mại cần phải có sự phối hợp, thống nhất quan điểm của các doanh nghiệp trong ngành. Bởi đây là biện pháp bảo vệ lợi ích của cả ngành sản xuất chứ không phải chỉ của một vài doanh nghiệp.

Để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp Việt nên tự bảo vệ mình bằng cách nào, thưa ông?

Đầu tiên là nhận thức của các doanh nghiệp về các công cụ phòng vệ thương mại này cần phải được đảm bảo. Doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy định về phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường lớn như là Hoa Kỳ, Canada, EU… và thậm chí cả các nước ASEAN.

Yếu tố thứ hai đó là các doanh nghiệp, các ngành sản xuất cần phải coi các công cụ phòng vệ thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại là những rào cản mà doanh nghiệp có thể phải gặp trong quá trình xuất khẩu để có các phương án dự phòng, ứng phó trong trường hợp gặp phải.

Đây là yếu tố rất quan trọng các doanh nghiệp cần tính tới trong chiến lược phát triển sản xuất, phát triển xuất khẩu.

Cùng với đó, khi có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đầu tiên là Bộ Công Thương, tiếp theo là với cơ quan điều tra của nước ngoài.

Kinh nghiệm cũng như thực tiễn cho thấy sự phối hợp, cung cấp thông tin của các doanh nghiệp, của cả ngành sản xuất trong quá trình ứng phó với việc điều tra của nước ngoài là yếu tố quyết định trong việc có giảm thiểu được các tác động bất lợi của các biện pháp phòng vệ thương mại hay không.

Về dài hạn, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý những cái vấn đề như là đa dạng hóa thị trường để không bị phụ thuộc vào một thị trường cụ thể. Nếu phụ thuộc vào một thị trường, khi bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì tác động có thể sẽ rất lớn và có thể gây thiệt hại hoặc không thể khắc phục được hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cuối cùng, trong quá trình điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại thì các nước nhập khẩu tìm hiểu rất kỹ về nguồn nguyên liệu cũng như nguồn gốc chuỗi sản xuất của doanh nghiệp. Một trong những yếu tố để các doanh nghiệp có thể giảm thiểu được các tác động là phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước.

Xin cảm ơn ông!

Trần Trung/TTXVN (thực hiện)
https://baotintuc.vn/kinh-te/phong-ve-thuong-mai-va-su-tho-o-cua-doanh-nghiep-viet-20200902121804442.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu