Thứ Năm, 28/11/2024 09:45 (GMT +7)

Phụ huynh nghèo và nỗi lo mùa tựu trường

Thứ 2, 15/08/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Năm học mới lại đến trong sự háo hức, mong chờ của các em học sinh khi được gặp lại thầy cô, bạn bè sau những tháng hè xa cách. Tuy nhiên, bên cạnh niềm hân hoan của ngày đến trường còn là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh có hoàn cảnh gia đình khó khăn khi phải đối mặt với nhiều gánh nặng về sách vở, đồ dùng học tập, quần áo và các khoản chi phí đầu năm học của con em mình.

ngay 15-8-2016 ben luc (Bai) Phu huynh ngheo va noi lo mua tuu truong

Chia sẻ gánh nặng khó khăn mùa tựu trường

Năm học 2016 – 2017, gia đình bà Trần Thị Xíu ở ấp 3, xã Thạnh Đức có đứa cháu ngoại Trần Thị Quỳnh Như, năm nay vô lớp 6. Do cha mẹ ly hôn nên bé Quỳnh Như ở với vợ chồng bà Xíu từ nhỏ. Chồng bà Xíu năm nay đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe yếu nên một mình bà phải bươn chải vừa nuôi chồng, vừa nuôi cháu ngoại. Năm nào cũng vậy, cứ sắp bước vào khai giảng năm học mới, bà Xíu lại phải chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền để mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho cháu. Nhà không có ruộng đất nên bà Xíu làm thuê làm mướn đủ thứ nghề, ai kêu gì làm nấy, khi không ai thuê thì bà ra kênh, ra rạch mò cua bắt cá mang ra chợ bán kiếm tiền mua gạo ăn qua ngày. Thời tiết nắng nóng, cả ngày ngâm mình dưới nước chỉ giúp bà kiếm được vài ba chục ngàn, nhiều hôm còn phải về trắng tay. Bé Quỳnh Như tuy mới 12 tuổi nhưng rất biết thương ông bà, ngoài giờ đi học thì Như luôn quanh quẩn ở nhà để phụ bà chăm sóc ông, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa …. Nhiều lần thấy bà ngoại vất vả ngược xuôi nên Như xin phép bà được nghỉ học để đi bán vé số, kiếm tiềm phụ giúp cho bà đỡ vất vả. Nhưng nghĩ thấy đời mình chính vì không biết chữ nên mới nghèo khổ nên bà Xíu nhất quyết không để đứa cháu ngoại của mình phải rơi vào hoàn cảnh ấy một lần nữa.

Còn đối với bà Nguyễn Thị Cúc, ấp 1 xã Thạnh Đức, cũng không khá gì hơn, nhà thuộc diện hộ nghèo cộng thêm tuổi cao sức yếu nên hơn 2 năm nay bà không thể ra chợ buôn bán được nữa, mọi chi phí trong nhà giờ đây chỉ trong chờ vào đồng lương thợ hồ ít ỏi của người con trai út. Bà Cúc nhẩm tính mỗi đợt tựu trường, riêng sắm sách vở và quần áo mới cho đứa chắt ngoại của đã tốn hết vài trăm ngàn đồng, dù đã giảm bớt nhiều khoản khác như: Cho cháu mặc lại đồng phục cũ, xin lại sách giáo khoa năm trước và tập chưa sử dụng, tiết kiệm tối đa mọi chi phí sinh hoạt trong nhà để lo cho đứa chắt ngoại mồ côi của mình là bé Nguyễn Thị Ngọc Hân năm nay vô lớp 6…. Nhắc đến gia đình bà Cúc thì ai cũng cảm thương hoàn cảnh của gia đình bà, bản thân bà già yếu không có thu nhập lại phải gồng gánh thêm đứa chắt ngoại mồ côi. Điều an ủi của bà Cúc là bé Hân vừa ngoan lại học rất giỏi.

Để tránh tình trạng lạm thu đầu năm học, Ngành GD & ĐT huyện Bến Lức ra văn bản quy định rõ: cấm hình thức gửi thư ngỏ cho phụ huynh để vận động đóng góp các khoản thu như cất nhà xe, trồng cây cảnh, đặt băng ghế… Kinh tế khó khăn, người dân đã phải cân nhắc nhiều khoản chi tiêu hàng ngày để đầu tư cho con ăn học, mong đổi lại những kết quả tốt. Vì vậy, họ mong những khoản thu của nhà trường thực sự phục vụ tốt cho việc học của học sinh. Điều này đòi hỏi việc xã hội hóa giáo dục không những cần được sự đồng thuận của phụ huynh, đóng góp theo khả năng mà các khoản thu phải chi một cách hợp lý, tiết kiệm và minh bạch./.

Việt Hằng – Thái Tần (Đài TT Bến Lức)

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu