Thứ Tư, 27/11/2024 15:27 (GMT +7)

Phục dựng và bảo tồn các điệu múa cổ độc đáo đất Thăng Long

Thứ 2, 12/10/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Trong các lễ hội dân gian của Hà Nội, múa cổ là nghi thức thường thấy, nó mang đầy đủ ý nghĩa lịch sử, thể hiện thế giới quan của con người, đặc biệt là những quan niệm trong đời sống tâm linh.

Biểu diễn múa Quy Phượng – một trong những điệu múa cổ của Thăng Long, tại lễ hội Đền Kim Liên. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Trải qua những xoay vần cuộc sống, nhiều điệu múa cổ đang dần mai một. Vì vậy, việc sưu tầm để phục hồi và gìn giữ các điệu múa cổ đang là sự quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu văn hóa, những nghệ sỹ múa tâm huyết của Hà Nội.

Các điệu múa cổ gắn với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, vì vậy sự phát triển bền vững hay dần mai một đều phụ thuộc vào cộng đồng. Trong khi đó, những nghệ sỹ múa trong cộng đồng dân cư ngày càng cao tuổi, những năm qua, nhiều bậc cao niên tâm huyết với những điệu múa cổ đã qua đời. Do đó, để bảo tồn các điệu múa cổ Thăng Long, 15 năm qua, Hội nghệ sỹ múa Hà Nội đã dày công sưu tầm, nghiên cứu và phục dựng.

Trong quá trình sưu tầm, Hội đã tiến hành các đợt khảo sát và sau mỗi đợt đều đưa các điệu múa cổ về biểu diễn tại khu vực Quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ.

Cũng từ đó đến nay, Hội nghệ sỹ múa Hà Nội đã cùng với các địa phương phục dựng được nhiều điệu múa cổ của các hình thái múa như múa dân gian, múa cung đình, múa tín ngưỡng, múa tôn giáo, múa sinh hoạt…

Các điệu múa này thể hiện các nội dung khác nhau, với các hình thức biểu hiện phong phú mang đậm dấu ấn đất Kinh kỳ. Có thể kể đến các điệu múa như Múa Cờ, Chạy đàn, Lục cúng, Hoa đăng, Sênh tiền, Trống bồng, múa Quạt, múa Chén…

Nghệ sỹ ưu tú Hoàng Hà, người có đóng góp trong sưu tầm, phục dựng các điệu múa cổ, cho rằng: “Ngoài tính chất nghi lễ thờ cúng thần, Phật và các đấng nhân thần có công với dân với nước, múa cổ còn kết tụ mối giao lưu tình cảm con người trong tình làng nghĩa xóm, trong lao động, trong đấu tranh sinh tồn, hòa hợp với thiên nhiên; trong đó các đường nét múa giàu chất biểu cảm, khơi dậy tình yêu quê hương, giáo dục tính nhân văn cho con người.”

Ngoài việc phục dựng, tổ chức các kỳ liên hoan múa cổ, Hội Nghệ sỹ múa Hà Nội còn hoàn thiện bộ đĩa ghi hình lại các điệu múa cổ truyền và chuẩn bị xuất bản cuốn sách Nghệ thuật múa cổ Thăng Long-Hà Nội với khoảng 50 điệu múa./.

TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu