Chủ Nhật, 24/11/2024 12:47 (GMT +7)

Phum sóc rộn ràng chờ khai hội Oóc Om Bóc – đua ghe Ngo 2020

Thứ 2, 26/10/2020 | 16:09:00 [GMT +7] A  A

Sóc Trăng là một trong những địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống tại Nam Bộ. Đây là là địa phương duy trì, phát triển tốt bộ môn đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào.

Giải đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 2019. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Lễ hội Oóc Om Bóc – đua ghe Ngo của đồng bào Khmer được tỉnh Sóc Trăng duy trì hàng năm, thực sự là ngày hội chung của 3 dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Năm 2020, Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Sóc Trăng diễn ra trong hai ngày 30 – 31/10. Trước mùa lễ hội diễn ra, tại các địa phương, việc chuẩn bị, luyện tập của các “vận động viên” chân đất đã được các chùa cùng phum sóc lên kế hoạch kỹ càng và dài hơi để tăng sức bền, sự dẻo dai, nắm nhuần nhuyễn các kỹ, chiến thuật trong thi đấu, để đội ghe Ngo đạt được thành tích cao nhất. Càng cận ngày lễ hội, không khí tại các phum sóc càng rộn ràng, náo nhiệt.

Có mặt tại chùa Phnô Kanh Chơ Thmây (chùa Cần Giờ Mới), xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, không khí buổi tập chuẩn bị cho Lễ hội đua ghe Ngo năm nay thật đặc biệt và chu đáo. Đây là lần đầu tiên chùa có ghe Ngo tham dự lễ hội sắp tới. Cứ khoảng 17 giờ hàng ngày, rất đông đảo đồng bào từ người già đến trẻ em tề tựu về chùa để theo dõi không khí tập luyện. Các vận động viên thể hiện rõ sự phấn khởi, quyết tâm khi lần đầu tiên đại diện cho phum sóc tham gia lễ hội lớn của dân tộc mình.

Anh Dương Quốc Tý, vận động viên chùa Phnô Kanh Chơ Thmây chia sẻ, để có thời gian tham gia tập luyện, các thành viên phải sắp xếp công việc một cách hợp lý. Chùa Phnô Kanh Chơ Thmây đóng được chiếc ghe Ngo mới, ai nấy vô cùng phấn khởi và hào hứng để tập luyện. Năm nay, gần 80 vận động viên của bổn sóc rất nỗ lực, quyết tâm đạt được thành tích cao.

Ông Sơn Kiên, Ban Quản trị chùa Phnô Kanh Chơ Thmây cho biết, đây là năm đầu tiên chùa có được chiếc ghe Ngo, bà con ai cũng phấn khởi và vui mừng. Các trai tráng trong phum sóc nỗ lực tập luyện, vừa góp phần gìn giữ bộ môn thể thao truyền thống của dân tộc, vừa hy vọng giành chiến thắng trong các cuộc đua tại lễ hội sắp tới.

Trong văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, chiếc ghe Ngo giữ vai trò, vị trí quan trọng về mặt tâm linh, là tài sản quý giá, thiêng liêng, là bộ mặt của ngôi chùa và bổn sóc. Chiếc ghe Ngo là vật dụng được người Khmer và nhà chùa coi là linh thiêng, là tài sản quý của cả phum sóc, được bảo quản cẩn thận tại chùa.

Trước kia, mỗi năm, ghe Ngo được hạ thủy một lần vào ngày Lễ hội Oóc Om Bóc. Ghe Ngo có chiều dài khoảng 22 – 26 m, mỗi ghe có từ 50 – 60 tay bơi. Nguyên bản chiếc ghe Ngo là loại thuyền độc mộc lớn, làm từ thân cây gỗ tốt. Ngày nay, ghe Ngo đã được “cải tiến”, đóng bằng nhiều tấm ván dài ghép lại. Mũi và lái của ghe Ngo đều cong, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho các sóc, trên chiếc ghe được vẽ theo các hoa văn truyền thống của đồng bào Khmer như hoa lửa, hoa nước, hoa văn Angkor… Giữa lườn ghe được đặt 2 cây dài, gọi là cây cần câu ghe (thường là cây tràm lâu năm do có độ dẻo cao) nhằm giữ thăng bằng và giúp cho ghe có sức bật tốt khi bơi.

Thượng tọa Lý Đen chia sẻ, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer tại các phum sóc ngày càng phát triển. Các lễ hội truyền thống luôn được duy trì, tổ chức chu đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Đối với việc duy trì và phát triển môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer là đua ghe Ngo, hàng năm, chính quyền các địa phương luôn chung tay cùng các phum sóc trong việc vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí đóng ghe mới, hỗ trợ các vận động viên luyện tập.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng, Lễ hội Oóc Om Bóc – đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2020 được tổ chức từ nguồn xã hội hóa, qua đó tiếp tục duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là trong hoạt động văn hóa lễ hội. Qua đó, đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh Sóc Trăng cũng như đồng bào dân tộc Khmer.

Năm nay, cùng với hoạt động chính là giải đua ghe Ngo, tại lễ hội còn có các hoạt động như: Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tỉnh Sóc Trăng; tổ chức kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù Kê; công bố quyết định công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc Ngũ âm và Múa Rom Vong của người Khmer tỉnh Sóc Trăng; phục dựng Lễ cúng trăng…

Ban Tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc- đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2020 cho biết, dự kiến có 48 đội (nam và nữ) trong tỉnh đăng ký tham gia. Các đội ghe ngoài tỉnh muốn tham gia thi đấu có thể liên hệ đăng ký với Ban Tổ chức để đảm bảo việc tổ chức lễ hội phù hợp với tình hình địa phương và thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.

Chanh Đa (TTXVN)
https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/phum-soc-ron-rang-cho-khai-hoi-ooc-om-boc-dua-ghe-ngo-2020-20201026090907433.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu