Thứ Tư, 27/11/2024 03:31 (GMT +7)

Quản lý thuế doanh nghiệp lớn: Cần một mô hình mới

Thứ 7, 21/11/2020 | 16:15:00 [GMT +7] A  A

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến 31/12/2019, Việt Nam có hơn 750 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Song chỉ có khoảng 7.190 doanh nghiệp, chiếm 1,17% trong số đó có quy vốn kinh doanh trên 500 tỷ đồng, nhưng số thu ngân sách từ các doanh nghiệp này chiếm tỷ lệ rất lớn. Điều này đòi hỏi phải có một mô hình quản lý thuế phù hợp hơn.

Hoạt động tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát

Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn -Tổng cục Thuế cho biết đang dự kiến đưa vào danh sách 561 doanh nghiệp lớn (bằng 0,075% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động) để thực hiện quản lý thuế. Chỉ tính riêng 561 doanh nghiệp này (gồm cả các công ty con trực thuộc) thì số thu nộp ngân sách nhà nước năm 2019 đạt 443,6 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8% tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2019 (không bao gồm thu từ quyền sử dụng đất, thu cổ tức được chia và lợi nhuận còn lại cho phần vốn nhà nước, thu từ xổ số kiến thiết).

9 tháng năm 2020 tổng số thu ngân sách Nhà nước từ 561 doanh nghiệp lớn đạt 195,62 nghìn tỷ đồng, bằng 97% so với lũy kế 9 tháng cùng kỳ và bằng 65% so với cả năm 2019.

Có thể thấy, lượng doanh nghiệp lớn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ 0,075% trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp lớn đang đóng vai trò trọng yếu trong công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước.

Theo Tổng cục Thuế, các doanh nghiệp lớn đóng vai trò then chốt là đầu tàu, dẫn dắt, thúc đẩy nền kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh – xã hội. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn luôn tạo nên sự phát triển kinh tế đồng đều và lâu dài giúp cho nền kinh tế luôn được ổn định và giảm bớt các biến động; là những nhận tố quan trọng góp phần định hình, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Với nguồn vốn lớn và tiềm lực kinh tế mạnh, các doanh nghiệp lớn có thể nhanh chóng thay đổi và tiếp xúc với sự tiên tiến của khoa học kỹ thuật trên thế giới. Doanh nghiệp lớn có sức cạnh tranh mạnh về vốn, nhân lực và thương hiệu tốt hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp lớn cân bằng giữa việc sản xuất và kinh doanh cho một nền kinh tế thay vì chỉ hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh và thương mại.

Mặc dù, các doanh nghiệp lớn mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nhưng hiện chưa có một cơ chế, chính sách phù hợp dành cho nhóm doanh nghiệp này; các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng, lao động hay giải quyết các vấn đề về thiên tai, dịch bệnh… thường ưu tiên các đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14).

Trong việc quản lý thuế, cơ quan thuế hiện nay hướng đến coi người nộp thuế là đối tượng để phục vụ. Tuy nhiên các doanh nghiệp lớn – là những khách hàng đặc biệt quan trọng, lại chưa có một cơ chế đặc thù hay ưu tiên khác biệt so với phần còn lại. Việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra thuế hay giải quyết vướng mắc, xử lý khiếu nại về thuế hiện nay tại cơ quan thuế cũng không phân biệt theo quy mô hay nhóm người nộp thuế lớn.

Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế được thành lập theo Quyết định số 115/2009/QĐ-TTg ngày 28/9/2009 được phân công theo dõi danh sách 405 doanh nghiệp gồm 35 tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước, 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 17 lô, mỏ dầu khí.

Trong giai đoạn từ cuối năm 2018 đến nay thu ngân sách Nhà nước từ các doanh nghiệp lớn do Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thực hiện theo dõi quản lý thuế đạt khoảng 40% tổng thu ngân sách Nhà nước do ngành thuế quản lý thu.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện quản lý thuế đối với các doanh nghiệp lớn hiện nay còn gặp nhiều bất cập, hạn chế; hiệu quả quản lý chưa cao. Cụ thể như số lượng doanh nghiệp, quy mô/phạm vi được giao quản lý nhiều nhưng vị trí, vai trò và tổ chức, bộ máy của Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn trong việc thực hiện các chức năng quản lý thuế chưa tương xứng. Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn chủ yếu đóng vai trò tham mưu cho Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính mà không có đủ thẩm quyền để quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của một cơ quan quản lý nhà nước làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả của công tác thu ngân sách Nhà nước.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới tổ chức quản lý thuế doanh nghiệp lớn theo mô hình quản lý trực tiếp. Cơ quan quản lý thuế doanh nghiệp lớn thực hiện đầy đủ các chức năng quản lý thuế, dựa trên mô hình quản lý rủi ro tuân thủ theo hệ thống dọc từ cấp trung ương đến địa phương.

Tại Việt Nam, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn hiện nay chủ yếu thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, giải đáp chính sách thuế như một đơn vị chuyên môn của Tổng cục Thuế; tham gia thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế theo kế hoạch chung được Bộ Tài chính phê duyệt. Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn không thực hiện trực tiếp các chức năng quản lý thuế chính; đồng thời chưa có sự gắn kết giữa cơ quan thuế Trung ương (Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn – Tổng cục Thuế) và cơ quan thuế địa phương (Cục Thuế) trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp lớn.

Để quản lý có hiệu quả phân khúc người nộp thuế lớn, theo các chuyên gia tài chính Việt Nam cần thiết phải tổ chức lại mô hình quản lý thuế doanh nghiệp lớn để tổ chức lại Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thành Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn với đầy đủ các chức năng quản lý thuế mà không làm tăng thêm đầu mối của cơ quan Tổng cục Thuế, đồng thời thiết lập một cơ chế phối hợp hiệu quả với các Cục Thuế địa phương trong việc thực hiện các chức năng quản lý thuế.

Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế doanh nghiệp lớn cần phê duyệt đề án tổ chức lại Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thành Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg về cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính. Đồng thời, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định là cơ sở pháp lý cho việc xác định các “doanh nghiệp lớn”, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn.

Đặc biệt, theo các chuyên gia cần xây dựng quy trình đánh giá rủi ro tuân thủ đối với doanh nghiệp lớn để phát huy hiệu quả nguồn lực trong quản lý, tránh trùng lắp, chồng chéo; thúc đẩy mối quan hệ điều phối giữa cơ quan thuế trung ương và địa phương; nâng cao chất lượng quản lý thuế theo từng lĩnh vực ngành, lĩnh vực kinh tế. Ngoài ra, nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án, giải pháp, chính sách quản lý đặc thù phù hợp cho các doanh nghiệp lớn để từng bước tiếp cận với cam kết quốc tế về quản lý thuế hiện đại mà Việt Nam đã tham gia.

Thùy Dương (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/quan-ly-thue-doanh-nghiep-lon-can-mot-mo-hinh-moi-20201121122530853.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu