Chiều 19/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cần tìm nguồn vốn GPMB dự án Long Thành
Với 403/449 đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành (chiếm 82,08% tổng số đại biểu), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với đa số phiếu tàn thành. |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, việc giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay Long thành mất nhiều thời gian, kéo dài, nên xin tách ra thành dự án thành phần thực hiện trước, tiết kiệm chi phí và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn nguồn vốn thực hiện dự án. Hiện tổng kinh phí giải phóng mặt bằng và tái định cư dự kiến là 23.000 tỷ đồng. Ngân sách Nhà nước mới có 5.000 tỷ đồng. Đồng Nai cần tiếp tục xác định tiếp làm căn cứ để Chính phủ xem xét.
Sau khi giải phóng mặt bằng cần quản lý và sử dụng diện tích đất thu hồi hiệu quả khi chưa thực hiện dự án, tránh để hoang hóa, lãng phí. Người dân cũng mong muốn được di dời để yên tâm sản xuất vì dự án đã quy hoạch 12 năm.
Quốc hội thông qua Nghị quyết tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án sân bay Long Thành. Khái toán cho thấy cần 23.000 tỷ GPMB dự án này.
Về nguồn vốn thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, một số ĐBQH muốn làm rõ hơn về vấn đề này. Theo đại diện cơ quan thẩm tra – Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, trên cơ sở số liệu điều tra thông tin, khảo sát sơ bộ và cập nhật đơn giá mới nhất của UBND tỉnh Đồng Nai thì tổng kinh phí khái toán cho công tác giải phóng mặt bằng (bao gồm xây dựng hạ tầng 2 khu tái định cư và khu nghĩa trang) khoảng 23.000 tỷ đồng. Hiện ngân sách đã bố trí 5.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho công tác giải phóng mặt bằng Dự án, mới đáp ứng 21,7% nhu cầu. Số vốn còn lại sẽ tiếp tục nghiên cứu và báo cáo Quốc hội xem xét.
Thu hồi ít nhất 5.000 héc ta để xây sân bay Long Thành
Theo Nghị quyết của Quốc hội, diện tích đất thu hồi bao gồm: Diện tích đất của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (5.000 héc-ta) và diện tích đất xây dựng các khu tái định cư tập trung, diện tích nghĩa trang, diện tích các công trình phục vụ tái định cư. Việc thu hồi đất phải bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống và sản xuất của người dân vùng chịu ảnh hưởng của Dự án; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Khu tái định cư tập trung phải được xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của địa phương.
Giao Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Ủy ban TVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, ĐBQH và HĐND tỉnh Đồng Nai trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Hạn chế khiếu kiện của người dân
Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, theo Nghị quyết 94, thu hồi đất một lần là tiến hành giải phóng mặt bằng luôn cho cả 3 giai đoạn của Dự án. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư một lần cho toàn bộ Dự án sẽ tạo sự đồng nhất về chính sách bồi thường, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện của người dân. Bên cạnh đó, người dân trong vùng Dự án cũng mong muốn được di dời để yên tâm đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới vì hiện nay việc sử dụng đất của người dân bị hạn chế, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng kéo dài trên 12 năm bởi quy hoạch của Dự án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng để tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án. Mặt khác, theo Nghị quyết 94 thì Quốc hội còn tiếp tục thông qua báo cáo khả thi từng giai đoạn của Dự án Cảng HKQT Long Thành, như vậy, vẫn có nhiều nghị quyết về Dự án tồn tại cùng với Nghị quyết 94 mà không phải sửa đổi Nghị quyết 94./.
Ý kiến ()