Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 11:23 (GMT +7)
Quốc hội giám sát tối cao về sử dụng nguồn lực chống dịch Covid-19
Thứ 2, 29/05/2023 | 11:17:40 [GMT +7] A A
VOV.VN - Quốc hội bước sang tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 5 với việc xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có giám sát tối cao, trình dự thảo nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm.
Kiến nghị gỡ vướng ngay khi đang giám sát
Quốc hội dành toàn bộ thời gian trong ngày hôm nay (29/5) để giám sát tối cao về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Phiên giám sát được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Quốc hội làm việc ở hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội; xem video clip về kết quả giám sát trước khi thảo luận.
Thực hiện Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 06/6/2022 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát về chuyên đề nêu trên với nhiệm vụ đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, kiến nghị giải pháp và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đối với việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 31/12/2022, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng từ ngày 01/01/2018 đến hết ngày 31/12/2022.
Đoàn giám sát đã ban hành kế hoạch, xây dựng các đề cương báo cáo và đề nghị Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo; trực tiếp giám sát tại 10 tỉnh, thành phố, làm việc với 14 Bộ và một số cơ quan liên quan; tổ chức làm việc với Chính phủ để thống nhất các nội dung giám sát.
Đến tháng 4/2023, Đoàn giám sát đã nhận được các báo cáo với 15.659 trang tài liệu.
Qua nghiên cứu báo cáo của các cơ quan, tổ chức và giám sát trực tiếp, trước yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, ngày 17/3/2023, Đoàn giám sát đã có văn bản báo cáo và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong thanh toán, quyết toán, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 18/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho các Bộ, ngành nghiên cứu thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát.
Ở một số địa phương, UBND và cơ quan chuyên môn đã tiếp thu, giải trình và triển khai kịp thời kiến nghị giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Trình Quốc hội sửa quy định về lấy phiếu tín nhiệm
Trong tuần làm việc thứ 2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các dự án: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
2 dự án luật khác cũng được trình Quốc hội là dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Căn cước công dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Quốc hội dành 2 ngày để thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022… Nội dung này cũng được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi.
Các đại biểu cũng thảo luận về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Trong ngày làm việc cuối cùng của tuần này, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023./.
Nam Sơn/VOV.VN
Ý kiến ()