Đề cập về vấn đề sử dụng đất trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trước Quốc hội, Đại biểu Phùng Đức Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho biết, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, việc nâng cao tỷ lệ sử dụng đất trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao từ nay đến năm 2020 còn nhiều trở ngại.
Tình trạng quy hoạch sử dụng đất gây lãng phí rất lớn, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. (Ảnh minh họa: KT) |
Thực trạng cho thấy, có sự khác biệt rất lớn giữa quy hoạch và thực hiện quy hoạch sử dụng ba loại đất trên. Tổng diện tích quy hoạch ba loại đất trên là gần 1,7 triệu ha thì có tới trên 1,5 triệu ha đất được quy hoạch nhưng chưa có phương án sử dụng trong 5 năm tới, chiếm 91,54%. Như vậy, tình trạng quy hoạch sử dụng đất gây lãng phí rất lớn, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.
“Trong khi việc đầu tư cho giải phóng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật, đây là nguồn tiền không nhỏ nhưng hiệu quả không cao vì tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế quá thấp. Đây là chưa kể đến việc có nhiều khu kinh tế, khu chế xuất và khu công nghệ cao, khu công nghiệp làm giảm tiền đất cho thuê và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương”, Đại biểu Tiến nêu rõ.
Từ thực tế trên, Đại biểu đề nghị công tác quy hoạch đất khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp và khu chế xuất cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả sử dụng, tránh quy hoạch treo, lãng phí đất như thời gian qua.
Cụ thể kà cần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đến năm 2020 trên cơ sở rà soát thực tế thực thi dự báo quy hoạch đất cho các khu vực này trong thời gian qua. Đồng thời, Chính phủ cần chú trọng hơn về chất lượng quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao tăng tính liên kết trong vùng.
Đặc biệt, Đại biểu Phùng Đức Tiến đề nghị Quốc hội ban hành Luật về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế để giải quyết một cách tổng thể các vấn đề đã đặt ra đối với khu vực này.
Lợi dụng quy hoạch để tăng lợi ích cá nhân
Cùng đề cập đến vấn đề này, Đại biểu Hoàng Việt Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) lại cho rằng, quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ với quy hoạch của các ngành, chưa đảm bảo tính liên vùng và chưa đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, theo Đại biểu Phương, việc thực hiện quy hoạch chưa nghiêm, tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ những nội dung quy hoạch không còn phù hợp với thực tế chưa được coi trọng, việc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị, khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ với một diện tích lớn dẫn đến tình trang đất đai bị khoanh bao, đầu tư hạ tầng tốn kém, dàn trải nhưng khả năng thu hút đầu tư thấp.
Đáng chú ý, Đại biểu Phương cho rằng, việc quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch chưa thật sự trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan, tổ chức, thậm chí nhiều nơi lợi dụng việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để làm lợi cho cá nhân hay một nhóm người.
“Một số nơi do nôn nóng trong phát triển công nghiệp, muốn tranh thủ các nhà đầu tư nên đã cho phép thu hồi san lấp mặt bằng. Điều này khiến một lượng lớn đất nông nghiệp trở thành đất khu công nghiệp, nhưng sau đó do thiếu vốn nên các dự án thực hiện cầm chừng, đất đai bị bỏ hoang trở thành dự án treo”, Đại biểu Phương chỉ rõ.
Với những bất cập đang tồn tại, Đại biểu đề nghị cần có giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt coi trọng dự báo chính xác về nhu cầu quỹ đất cho phát triển các ngành, các lĩnh vực, tính toán khoa học sát với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và phải cần cân nhắc giữa hiệu quả kinh tế – xã hội với môi trường nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong sử dụng đất, phát huy cao nhất tiềm năng đất đai. Cần có sự phối hợp chặt chẽ với giữa các bộ, ngành và địa phương trong công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
“Quy hoạch sử dụng đất cần phải đảm bảo tính đồng bộ, tính liên vùng và phát huy được thế mạnh của từng vùng nhưng phải đảm bảo phát triển hài hòa của khu vực. Ưu tiên bố trí đủ quỹ đất cho lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng xã hội như văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao… một cách phù hợp để nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, phù hợp với tiêu chí của một nước phát triển”, Đại biểu Hoàng Việt Phương nói.
Ngoài ra, Đại biểu còn đề xuất, cần tăng cường khả năng khai thác không gian bên trên, bên dưới mặt đất; không bố trí các khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu công nghiệp, bám sát các trục đường cao tốc, đường quốc lộ./.
Ý kiến ()