Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 03:41 (GMT +7)
Quy hoạch vùng trồng khóm 600 hecta trên vùng đất phèn Thạnh Hóa
Thứ 5, 28/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Thời gian gần đây, khóm ở các tỉnh khu vực ĐB sông Cửu Long, trong đó có Long An được thương lái thu mua với giá cao, ổn định nên nông dân có lãi lớn. Bình quân sau khi trừ chi phí, nông dân trồng khóm có lãi trên 80 – 100 triệu đồng/hecta.
Mọi năm vào thời điểm này, khóm chỉ có giá từ 5000 đến 6000 đồng/kg nhưng những ngày gần đây, giá thu mua khóm tại ruộng được các thương lái đẩy lên mức 9.000 đến 11.000 đồng/kg tùy loại. Theo ông Trần Văn Một xã Tân Tây, Huyện Thạnh Hóa: chưa bao giờ giá khóm cao như vậy, Mặc dù năng suất không cao bằng các ruộng khóm trong vùng nhưng đợt khóm vừa thu hoạch ông Một lãi gần 40 triệu đồng/1,5 hecta, cao gấp 3 lần những năm trước. Cũng nhờ cây khóm mà ông Một mới xây được căn nhà khang trang.
Một năm, khóm cho 3 đợt trái với sản lượng bình quân từ 20-25 tấn/hecta. Với giá hiện tại thì mỗi hecta người dân thu lãi từ 80 đến 100 triệu đồng. Giá khóm tăng cao kéo theo giá con giống cũng tăng, có thời điểm khan hiếm giống.
Khóm-cây trồng hiệu quả trên vùng đất phèn
Do hiệu quả kinh tế khá cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nên cây khóm đã “bén duyên” trên vùng đất phèn Tân Tây và trở thành cây ăn trái chính để phát triển kinh tế địa phương. Từ năm 2015 đến nay, xã đã vận động người dân chuyển đổi 130 hecta diện tích đất trồng tràm, khoai mỡ và cây mì năng suất thấp sang trồng khóm. Đồng thời, mỗi hecta chuyển đổi, người dân sẽ được hỗ trợ chi phí 2,2 triệu đồng. Kết quả, diện tích trồng khóm trên địa bàn xã liên tục tăng từ 36 hecta ban đầu lên trên 310 hecta thời điểm hiện tại. Xã Tân Tây cũng đã được quy hoạch cánh đồng lớn chuyên canh cây khóm với diện tích 600 hecta vào năm 2020.
Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã Tân Tây tiếp tục vận động nhân dân sản xuất trong cánh đồng lớn; hỗ trợ người dân vay vốn sản xuất; xây dựng thêm trạm bơm điện tại kênh 22, ấp 5 để phục vụ 600 hecta vùng chuyên canh khóm. Đồng thời, thành lập các tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiêu thụ hàng hóa.
Trong tương lai gần, việc sản xuất khóm theo tiêu chuẩn VietGAP cũng nên được thực hiện, bởi đây là điều kiện để xây dựng thương hiệu khóm Tân Tây, giúp cây khóm ở địa phương này phát triển hiệu quả và bền vững hơn./.
Duy Huệ – Đức Cảnh
Ý kiến ()