Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 20:41 (GMT +7)
Quy trình ghi chỉ số công tơ điện được quản lý ra sao?
Thứ 5, 02/07/2020 | 09:42:00 [GMT +7] A A
Trước những vụ việc sai sót trong ghi chỉ số tiêu thụ điện vừa qua, nhiều người đã đặt ra câu hỏi, liệu có việc ngành Điện cố tình dời ngày “ghi công tơ” để dồn số điện, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng lũy kế hay không?
Bà Đỗ Thị Kiều Trang, Phòng Giá điện và Phí (Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương) cho biết, trước thắc mắc của khách hàng về việc liệu ngành Điện có cố tình dời ngày ghi chỉ số công tơ để ghi dồn chỉ số điện, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã kiểm tra tại Điện lực Lương Tài (Công ty Điện lực Bắc Ninh) – đơn vị áp dụng công nghệ ghi chỉ số bằng máy tính bảng kết hợp chụp ảnh bằng camera.
Đoàn công tác liên ngành đã kiểm tra công tác ghi chỉ số, lập hoá đơn tiền điện, giải quyết kiến nghị của khách hàng tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC). Qua kiểm tra 2 tháng liên tiếp (tháng 5 và tháng 6) ở phiên ghi ngày 12 hàng tháng, đoàn kiểm tra xác nhận đơn vị đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy định theo ngày thông báo, đúng quy định của Bộ Công Thương.
Cũng theo bà Đỗ Thị Kiều Trang, quy trình ghi chỉ số cũng được quản lý rất chặt chẽ. Với phiên ghi ngày 12 hàng tháng, vào chiều ngày 11 trước đó, nhân viên ghi chỉ số sẽ lên văn phòng nhận các thiết bị đo; chiều 12 phải về đơn vị trả lại thiết bị và nộp dữ liệu để nhập vào hệ thống CMIS. Trường hợp quá ngày quy định, nếu nhân viên vẫn nhập thông tin, hệ thống CMIS sẽ không nhận dữ liệu.
Bà Trang cho biết thêm, trên máy tính bảng cũng được cài đặt các chương trình cảnh báo đối với những khách hàng có sản lượng đột biến. Đoàn kiểm tra cũng đã thử nhập một chỉ số lớn gấp nhiều lần so với tháng trước liền kề, hệ thống lập tức đưa ra cảnh báo.
Vừa qua, đã xảy ra nhiều vụ việc ghi nhầm hóa đơn điện. Ảnh: TTXVN.
Ông Đỗ Văn Năm, Phó Ban Kinh doanh EVNNPC cho biết, hiện Tổng công ty đang bán điện cho hơn 10,2 triệu khách hàng trên địa bàn 27 tỉnh/thành phố miền Bắc. Theo ông Năm, một số vụ việc ghi nhầm chỉ số công tơ vừa qua là rất đáng tiếc đối với EVN NPC, đơn vị đã rút kinh nghiệm cũng như xử lý kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan.
Hiện nay, EVN NPC đang duy trì 3 hình thức ghi chỉ số công tơ: Ghi chỉ số tự động với khoảng 1,17 triệu công tơ; ghi chỉ số bán tự động với hơn 1,55 triệu công tơ và ghi chỉ số thủ công với khoảng 7,75 triệu công tơ.
Quá trình thực hiện ghi chỉ số công tơ, lập hóa đơn tiền điện, quy trình phúc tra, kiểm tra đều được thực hiện đầy đủ, nhưng vừa qua vẫn có sai sót, có những hóa đơn ghi nhầm tới hàng chục triệu đồng, đơn cử như tại Công ty Điện lực Quảng Ninh, khách hàng bị ghi nhầm tới gần 90 triệu đồng/tháng.
Về kết quả phúc tra, kiểm tra, ông Đỗ Văn Năm cho biết trong tháng 6, EVN NPC đã phát hành hơn 10,2 triệu hóa đơn trên địa bàn 27 tỉnh. Số khách hàng trong tháng 6 tăng so với tháng 5 từ 1,3 lần là hơn 4,4 triệu khách hàng. Qua phúc tra, kiểm tra đã phát hiện 2.175 khách hàng bị ghi nhầm chỉ số công tơ, hầu hết các trường hợp đã được phát hiện và sửa chữa chỉ số trước khi phát hành hóa đơn.
Trong tháng 5, EVN NPC cũng đã phát hiện 2.056 trường hợp ghi nhầm chỉ số công tơ. Ông Năm khẳng định các trường hợp này đều đã được phát hiện và sửa chữa trước khi phát hành hóa đơn. Đại diện EVN NPC cũng cho hay, các sai sót nêu trên chủ yếu rơi vào công tơ cơ khí khi ghi chỉ số thủ công.
Về vấn đề đo lường, kiểm định công tơ, ông Bùi Trung Dũng, Vụ Đo lường (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng) cho hay, công tơ điện là phương tiện đo lường quan trọng và phải kiểm soát chặt chẽ. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã xây dựng hệ thống các tổ chức kiểm định gồm các doanh nghiệp tư nhân, các đơn vị thuộc hệ thống quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các đơn vị trực thuộc các Tổng công ty Điện lực.
Hoạt động này phải tuân thủ các điều kiện về độc lập, khách quan đã được cụ thể hóa tại Nghị định 105 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, Luật Đo lường. Các đơn vị thực hiện kiểm định phải đảm bảo tính công khai, minh bạch các quy trình kiểm định, để các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát. Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra.
Hiện không chỉ có EVN mà hơn 800 tổ chức mua bán điện cũng phải đảm bảo tuân thủ các quy định này, ông Bùi Trung Dũng khẳng định.
Qua kiểm tra, EVNNPC và các đơn vị trực thuộc đã thực hiện nghiêm túc việc thay thế, kiểm định công tơ định kỳ theo quy định. Công tác này cũng đã được các đơn vị có chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra hàng năm. Tuy nhiên, ông Dũng cũng đề nghị, EVNNPC cần xem xét, nghiên cứu thay thế các công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử, nhằm giảm thiểu tối đa những sai sót không đáng có.
https://baotintuc.vn/kinh-te/quy-trinh-ghi-chi-so-cong-to-dien-duoc-quan-ly-ra-sao-20200701165918295.htm
Ý kiến ()