Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 17:51 (GMT +7)
Quyết liệt phòng chống dịch COVID-19, nỗ lực phục hồi sản xuất
Thứ 2, 31/05/2021 | 10:50:00 [GMT +7] A A
Trong ngày 30/5, Việt Nam ghi nhận thêm 251 ca mắc mới, trong đó có 1 ca cách ly tại Đồng Nai sau khi nhập cảnh và 250 ca trong nước.
Cụ thể, tại Bắc Giang ghi nhận 124 ca, Thành phố Hồ Chí Minh 59 ca, Bắc Ninh 43 ca, Hà Nội 18 ca, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh 2 ca, Hải Phòng, Long An, Hải Dương và Đà Nẵng mỗi địa phương đều ghi nhận 1 ca.
Tính đến 18 giờ ngày 29/5, Việt Nam có tổng cộng 5.604 ca ghi nhận trong nước và 1.503 ca mắc COVID-19 nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 4.034 ca.
Các lực lượng chức năng phun xịt, khử khuẩn toàn bộ khu vực phong tỏa cách ly tại hẻm 611 đường Điện Biên Phủ, phường 1, Quận 3. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Thành phố Hồ Chí Minh ứng phó khẩn cấp với dịch
Chỉ sau 5 ngày (từ tối 26/5 đến trưa 30/5), tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ chỗ phát hiện 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp), chuỗi lây nhiễm này đã lên 126 trường hợp dương tính, trở thành chuỗi lây nhiễm lớn nhất kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay.
Thành phố Hồ Chí Minh chính thức bước vào “cuộc chiến” với một kịch bản mới, nhiều khó khăn, thử thách. Tại cuộc họp khẩn trưa 30/5, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định từ 0 giờ ngày 31/5, thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ; riêng tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 với quy định nhà giãn cách nhà, khu phố giãn cách khu phố, phường giãn cách phường trong vòng 15 ngày. Đây là giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt cần thiết khi dấu hiệu của dịch COVID-19 lây lan diện rộng, xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ, đảm bảo các “pháo đài” phòng, chống dịch COVID-19 không bị “xuyên thủng”.
Muốn chấm dứt chuỗi lây lan thì phải tìm ra được tất cả nguồn lây. Chính vì vậy, việc chủ động thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế là trách nhiệm của tất cả người dân, đặc biệt những người liên quan đến các chuỗi lây nhiễm đã được xác định. Thành phố kêu gọi người dân chủ động khai báo liên quan đến nguồn lây, khai báo y tế để sớm “chặt đứt” các nguồn lây trong cộng đồng. Tại “điểm nóng” quận Gò Vấp, từ đêm 28/5 đến nay, lực lượng y tế thành phố đã khẩn trương, “thần tốc” lấy hơn 100.000 mẫu xét nghiệm của người dân sống trong khu vực có nguy cơ cao.
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để đánh giá nguy cơ, trước mắt là ở tất cả các đơn vị bầu cử có hội viên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cư ngụ; tất cả công nhân, người lao động các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Mục tiêu đặt ra là lấy mẫu đơn 50.000 mẫu đơn/ngày…
Không để dịch lây sang các vùng an toàn, địa phương lân cận
Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch của địa phương chiều 30/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ: Tuyệt đối không để dịch bệnh ở những địa bàn giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa lây lan sang các vùng an toàn trong tỉnh và các địa phương lân cận.
Trong các khu cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội phải đảm bảo công tác hậu cần, tiếp tục giảm mật độ công nhân cư trú ở các “điểm nóng”; việc đón người đến cách ly tập trung phải tuyệt đối an toàn. Phó Thủ tướng lưu ý các lực lượng không chỉ tập trung phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mà cần quan tâm đến việc khôi phục sản xuất ở những cơ sở, nhà máy ở bên ngoài khu công nghiệp.
Đến sáng 30/5, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 106 ca mắc COVID-19 tại 33 doanh nghiệp trong 7 khu công nghiệp. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, tỉnh rất kiên quyết, chỉ khi nào các doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện phòng, chống dịch thì mới cho hoạt động trở lại. Tỉnh đã giao các huyện, thị xã, thành phố rà soát, trưng tập các trường học đủ điều kiện, bố trí làm nơi ăn, nghỉ tạm thời cho công nhân lao động.
Ngày 30/5, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh đề nghị chuẩn bị phương tiện và con người để phối hợp với các đoàn hỗ trợ của Bộ Y tế thực hiện triển khai tiêm hết số vaccine đã được cấp xong trước ngày 10/6 cho các trường hợp đã lựa chọn. Ngoài 150.000 liều vaccine đã cấp, Bộ Y tế phân bổ thêm 50.000 liều nữa cho tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao trong vòng 7 ngày phải tiêm xong 200.000 liều vaccine phòng COVID-19 tại mỗi tỉnh. Bộ Y tế sẽ điều 1.000 nhân lực ở Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai và các lực lượng y tế khác hỗ trợ 2 địa phương. Trước mắt, tỉnh Bắc Giang cần thêm 200 nhân viên y tế để đáp ứng kịp thời tiêm phòng vaccine đợt 1 với số lượng 150.000 liều.
Chiều 30/5, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Giang về các giải pháp cấp bách khôi phục sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Bắc Giang gấp rút đưa ra các báo cáo chi tiết tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh; công tác phòng, chống dịch COVID-19 cùng các kiến nghị, giải pháp để Chính phủ xem xét đẩy mạnh thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, tình hình tiêu thụ nông sản của địa phương thời gian qua khá thuận lợi. Thời gian tới, tỉnh cũng đã lên kế hoạch tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vải chính vụ. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng kiến nghị Phó Thủ tướng xem xét và tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, nhất là cho thị trường tiêu thụ vải lớn miền Nam…
https://baotintuc.vn/thoi-su/quyet-liet-phong-chong-dich-covid19-no-luc-phuc-hoi-san-xuat-20210530214054463.htm
Ý kiến ()