Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, sản xuất lúa Mùa và Đông Xuân 2015-2016 của tỉnh có chỉ tiêu hơn 2,5 triệu tấn, chiếm 53,24% sản lượng kế hoạch năm 2016.
Thế nhưng tổng sản lượng của 2 trà lúa này chỉ đạt khoảng 2,2 triệu tấn, giảm hơn 241.000 tấn lúa so với chỉ tiêu đề ra.
Để bù đắp sản lượng hụt giảm do hạn mặn và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản lượng lúa năm 2016, tỉnh Kiên Giang điều chỉnh cơ cấu sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông theo hướng thích hợp về nguồn nước, tránh hạn mặn, hệ thống thủy lợi đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất an toàn, bền vững và hiệu quả.
Theo tiến sỹ Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, tỉnh bố trí thời vụ xuống giống cho từng tiểu vùng sản xuất nhằm tránh hạn, mặn, ứng phó với điều kiện thời tiết không thuận lợi để giảm thiểu đến mức thấp nhất những rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra.
Đối với vụ Hè Thu sản xuất 302.000 ha, những tiểu vùng trên vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu cải thiện được tình trạng hạn mặn bằng hệ thống thủy lợi đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt và chủ động nguồn nước, tập trung gieo sạ trong tháng 3, diện tích còn lại xuống giống dứt điểm tháng 4.
Vùng không chủ động được nguồn nước, phải chờ mưa gieo sạ, vùng đầu nguồn lũ, vùng ven biển của Tứ giác Long Xuyên, khu vực ven sông Cái Lớn, Cái Bé vùng Tây sông Hậu và vùng sản xuất U Minh Thượng xuống giống từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6.
Tiếp đến, sản xuất 120.000 ha lúa vụ Thu Đông, gieo sạ đợt 1 trong tháng 6 đối với các tiểu vùng trên vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu thu hoạch xong lúa Hè Thu.
Đợt 2 gieo sạ trong tháng 7 trên diện tích sản xuất lúa Hè Thu xuống giống vào tháng 4 đã thu hoạch của các huyện vùng Tây sông Hậu và một phần huyện Gò Quao.
Ngoài ra, sản xuất lúa Mùa trên nền đất nuôi tôm và lúa – tôm vùng Vĩnh Thuận, ven biển huyện An Biên, An Minh và phía Nam Quốc lộ 80 trở ra biển vùng Tứ giác Long Xuyên gieo cấy từ tháng 8 đến tháng 10.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang chuẩn bị lượng lúa giống, khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày, có khả năng chống chịu hạn mặn, phẩm cấp gạo ngon… thích hợp với điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng, từng vùng để gieo sạ như: OM5451, OM2517, OM9676, OM6162, OM9921, OM677…
Để sản xuất vụ lúa Hè Thu, Thu Đông an toàn, bền vững và hiệu quả trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Kiên Giang đã triển khai đồng bộ các phương án thủy lợi phục vụ sản xuất.
Theo đó, quản lý vận hành việc đóng, mở hệ thống cống trên tuyến đê biển nhằm ngăn mặn – giữ ngọt hợp lý; hoàn thành đắp 118/154 đập ngăn mặn – giữ ngọt, bước đầu cải thiện đáng kể tình trạng xâm nhập mặn trên địa bàn các huyện Kiên Lương, Giang Thành và Hòn Đất.
Duy tu, sửa chữa trạm bơm, máy bơm tập thể để chủ động bơm tát. Kiểm tra, xử lý những sự cố hư hỏng các công trình thủy lợi, nạo vét hệ thống kênh thủy lợi trọng yếu, kênh mương nội đồng.
Cùng với đó, đắp hoàn thành 2 đập lớn trên kênh Rạch Giá-Hà Tiên tại xã Hòa Điền (Kiên Lương) và kênh Rạch Giá-Long Xuyên tại đoạn giáp ranh 2 phường Vĩnh Thanh-Vĩnh Hiệp (thành phố Rạch Giá) vừa ngăn mặn, giữ ngọt bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân, vừa chuẩn bị đón dòng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 4 để tích trữ nước cho vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến thời điểm này toàn tỉnh đã xuống giống vụ lúa Hè Thu hơn 90.000ha, đạt hơn 30% kế hoạch.
Sản xuất vụ lúa Hè Thu và Thu Đông, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đạt sản lượng hơn 2,3 triệu tấn; trong đó lúa Hè Thu 1,6 triệu tấn trở lên, góp phần đạt kế hoạch mục tiêu tổng sản lượng lương thực năm 2016 gần 4,7 triệu tấn lúa./.
Ý kiến ()