Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 22/12/2024 13:23 (GMT +7)
Sản xuất lúa, tôm đặc sản cho nông dân thu nhập bạc tỷ
Thứ 3, 08/10/2024 | 11:14:56 [GMT +7] A A
Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai bất lợi, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã và đang thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng phát triển xanh, sạch, hữu cơ, an toàn và bền vững. Qua đó, nhiều mô hình sản xuất của nhà nông đã đem lại sản lượng, chất lượng và hiệu quả cao.
Trồng lúa đặc sản cho lợi nhuận cao
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2024, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã và đang triển khai các mô hình sản xuất lúa đặc sản, lúa chất lượng cao theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng và giá trị.
Cùng với việc đưa cơ giới, tự động hóa vào kỹ thuật canh tác, gieo trồng, thu hoạch, nhà nông Sóc Trăng cũng đã liên kết sản xuất các giống lúa ST24, ST25, lúa Tài Nguyên cùng một số lúa thơm, lúa đặc sản khác đem lại sản lượng cao, chất lượng tốt và giá lúa cũng cao hơn các giống lúa thường từ vài trăm đồng đến 3.500 đồng/kg, qua đó, có hộ từ trồng lúa đặc sản lợi nhuận đạt 40-50 triệu đồng/ha/vụ.
Chẳng hạn như mô hình trồng lúa đặc sản lúa ST25 của Tổ hợp tác Đông Đầy tại xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề do ông Phạm Văn Đầy làm tổ trưởng. Trong mấy năm gần đây, tổ của ông canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP rồi chuyển dần qua canh tác theo hướng hữu cơ, kết quả là liên tục đạt hiệu quả cao.
Theo ông Đầy, tổ hợp tác của ông canh tác lúa theo quy chuẩn hữu cơ đã giúp cho nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận hơn. Trung bình chi phí 1 vụ lúa khoảng 28 triệu đồng/ha, trong khi canh tác theo truyền thống (sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật), chi phí tới 35 triệu đồng/ha. Năng suất lúa hữu cơ bình quân ước đạt 6,5 - 8 tấn/ha, giá lúa được công ty thu mua cao hơn so với bên ngoài khoảng 1.000 đồng/kg. Vụ lúa Hè Thu vừa qua, trên phần ruộng của tổ hợp tác đã thu hoạch giống lúa ST25, năng suất đạt 6,5 tấn/ha, giá lúa được đơn vị bao tiêu là 11.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận của thành viên tổ hợp tác đạt tới trên 50 triệu đồng/ha.
Liên kết sản xuất trồng lúa đặc sản, nhiều hợp tác xã nông nghiệp và hộ nông dân canh tác lúa có diện tích lớn cũng đang áp dụng các mô hình lúa đặc sản, lúa hữu cơ, trong đó có mô hình tôm lúa, còn gọi là lúa thơm-tôm sạch đã được công nhận là sản phẩm đặc sản của địa phương (OCOP 3-4 sao), sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trong thị trường nội địa.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cũng thông tin, trong tổng diện tích hơn 337.800 ha lúa đã được tỉnh gieo sạ trong năm nay thì diện tích lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 94,53%, cao hơn mức mà Nghị quyết đề ra là 93,37%. Tính theo năm lương thực, năm 2024 này Sóc Trăng đạt sản lượng ước khoảng 2,18 triệu tấn lúa, vượt trên 5% kế hoạch năm của tỉnh.
Nuôi tôm kỹ thuật cao thu nhập bạc tỷ
Bên cạnh cây lúa, những mô hình nuôi thủy sản cũng là thế mạnh và đem lại hiệu quả cao cho nhà nông, được tỉnh Sóc Trăng tập trung phát triển. Để đạt được kết quả tốt, lợi nhuận cao cho người nuôi thủy sản, các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, trang trại nuôi tôm hộ gia đình đã áp dụng những mô hình nuôi tôm hiệu quả được ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai như: Nuôi tôm 2 giai đoạn; nuôi tôm sú lót bạt đáy có hố xi phông xử lý chất thải; nuôi tôm tuần hoàn khép kín, ứng dụng công nghệ cao…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, ông Huỳnh Ngọc Nhã thông tin, hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện Đề án phát triển nuôi tôm nước lợ theo hướng bền vững, tập trung, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số và các thành tựu khoa học kỹ thuật mang tính đột phá, thân thiện môi trường, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng, phát huy tiềm năng điều kiện tự nhiên về nuôi tôm nước lợ tại từng địa phương, các lợi thế về thị trường…
Tỉnh cũng đang đầu tư phát triển ngành tôm theo hướng tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, làm đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, đầu ra. Phát triển sản xuất gắn chặt với nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm nâng cao chuỗi giá trị.
Từ nguồn lực của ngân sách và xã hội hóa, tỉnh sẽ đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm nước lợ. Thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển các ngành nghề và dịch vụ phụ trợ như giống, thức ăn… để tiến tới phát triển quy trình nuôi tôm khép kín, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo kế hoạch, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025, diện tích thả nuôi tôm của tỉnh đạt 57.000ha, sản lượng đạt 233.800 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh duy trì đạt trên 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, đề án sẽ xây dựng 45 mô hình nuôi tôm thí điểm, thích ứng với biến đổi khí hậu; phấn đấu 100% cơ sở nuôi, hộ nuôi đảm bảo điều kiện về nuôi trồng thủy sản và được cấp mã số ao nuôi đối tượng nuôi chủ lực, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu.
Một trong những mô hình nuôi tôm công nghệ cao có hiệu quả phải kể đến hộ ông Trần Văn Khởi, ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Với 9ha nuôi tôm nước lợ, ông chia thành 26 ao (vuông) nước; trong đó, có ao nuôi, ao dự trữ nước, ao lắng, ao ương dưỡng tôm nhỏ, ao chứa thải... các ao nuôi tôm ông đều cho làm xi phông đáy ao (hố chứa thải để làm vệ sinh đáy ao, hạn chế ô nhiễm nguồn nước nuôi trong ao) và lót bạt bờ xung quanh ao.
Thực hiện mô hình nuôi tôm ao đất có làm xi phông đáy ao, theo ông Khởi, việc nuôi tôm đạt hiệu quả tốt hơn. Để việc hút các chất thải trong ao có hố xi phông đáy, hạn chế ô nhiễm trong ao nuôi, hố xi phông được kết nối bằng ống nhựa với máy hút đặt trên bờ, cứ 5-6 ngày cho máy hút thải ra ngoài ao chứa thải, giúp cải thiện chất lượng nước ao nuôi. Với mô hình này, ông Khởi thả nuôi tôm có mật độ từ 70 - 90 con/m2, nuôi tôm đạt kích cỡ 30 con/kg thì thu hoạch, cỡ size này cho giá cả và lợi nhuận tốt hơn so với với thu hoạch sớm hoăn hoặc trễ hơn. Mỗi ao có diện tích 1.200m2, sản lượng tôm thu về từ 2 - 3 tấn/ao. Tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng hằng năm nuôi từ 1 - 2 vụ/9ha, ông thu về 50-60 tấn, trừ chi phí lợi nhuận từ còn 2 đến 4 tỷ đồng/năm.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đang phát triển ổn định, đều trên nhiều lĩnh vực như trồng lúa, cấy ăn quả, chăn nuôi gia súc gia cầm và thủy sản. Riêng 2 lĩnh vực trồng lúa và nuôi trồng thủy sản là 2 ngành mũi nhọn đem lại thu nhập cao cho nhà nông và cũng là những sản phẩm đem lại nguồn ngoại tệ lớn, đạt kim ngạch cao nhất của tỉnh; trong đó, xuất khẩu thủy sản 9 tháng năm 2024 của Sóc Trăng đạt 750 triệu USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu gạo đã đạt mức kỷ lục với 510 triệu USD, tăng 51,6% so với 9 tháng cùng kỳ năm trước 2023 và hơn cả năm 2023 tới 100 triệu USD (năm 2023 xuất khẩu gạo đạt 410 triệu USD). Đây là những kết quả tích cực của ngành nông nghiệp Sóc Trăng trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu, nâng cao giá trị chất lượng cây trồng vật nuôi, hướng tới lợi nhuận, giá trị cao và có tính bền vững.
Tin, ảnh: Trung Hiếu (TTXVN)
Ý kiến ()