Những tưởng sáng chế là công việc của các nhà khoa học, nhưng trên thực tế đã có không ít nông dân đã tự tìm tòi làm ra các loại máy móc nông cụ phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình. Ông Nguyễn Văn Cường, nông dân xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là một trong số đó. Mới đây, ông Cường đã sáng chế ra máy băm cành thanh long giúp tiết kiệm công lao động trong quá trình sản xuất.
Thông thường sau mỗi chu kỳ thu hoạch, hằng năm các nhà vườn thanh long phải cắt bỏ những cành thanh long kém hiệu quả do già, bệnh hoặc nằm lẩn bên dưới không tiếp xúc với ánh sáng. Lượng cành rong bỏ chiếm đến 50% số cành trên mỗi trụ. Vì số lượng cành bỏ đi rất lớn, không thể để chất đống trong vườn, nên nông dân phải tốn nhiều công sức để vận chuyển đi nơi khác đổ hoặc dùng dao băm nhỏ ngay tại chỗ để cành mau phân hủy.
|
Ông Cường vận hành máy băm cành thanh long. |
Là nông dân trồng thanh long, ông Nguyễn Văn Cường (ở xã Thiện Nghiệp) nhận thấy gia đình ông cũng như nhiều nông dân khác khá vất vả trong mỗi lần thu dọn cành già, cành bệnh. Ông luôn trăn trở làm thế nào để giảm bớt công sức thu dọn sau khi cắt cành. Từ đó, ông đã nghĩ đến việc làm ra một cái máy băm cành thanh long bằng động cơ.
“Cây thanh long Bình Thuận rất nhiều nên để xử lý thân cành gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không xử lý tốt vừa gây ô nhiễm môi trường lại vừa mất đi nguồn phân tự nhiên. Xuất phát từ đó tôi có ý tưởng làm ra cái máy này để băm, vừa làm sạch môi trường vừa làm nguồn phân tự nhiên trong đất”, ông Cường chia sẻ.
Trước đây khi còn trong quân ngũ, ông Cường có học qua động lực học, nên việc tìm tòi ý tưởng làm máy băm thanh long không quá khó đối với người nông dân này.
Sau khi nhìn qua cách thức hoạt động của các loại máy xắt mì, xắt chuối, ông Cường nhận thấy nếu làm máy băm cành thanh long theo cơ chế như thế sẽ không hiệu quả vì cối xoay không thế tự đẩy cành băm ra bên ngoài. Liên tưởng đến chiếc rìu khum chặt cây của đồng bào miền núi, ông đã tự thiết kế cái dao băm hình chữ C có khả năng cuốc xuống làm đứt dây thanh long và kéo thải sản phẩm ra ngoài theo nguyên lý “vừa băm chặt vừa đẩy ra ngoài”.
Sau thời gian mày mò thử nghiệm, tháng 5 vừa qua, nông dân Nguyễn Văn Cường đã hoàn thiện chiếc máy băm nặng 102kg, dài 2 mét gồm 3 bộ phận chính gồm thùng tiếp nhận cành, cối dao băm và hộc thải sản phẩm ra ngoài. Cối băm được nối với máy nổ Yamaha động cơ 6 mã lực chạy bằng xăng. Chiếc máy băm này nhỏ gọn có bánh đẩy, nên thuận tiện di chuyển trong vườn thanh long.
Ông Cường cho biết, máy có hiệu quả sử dụng rất cao. Trung bình một bụi thanh long già phải rong bỏ khoảng 50kg cành. Nếu như dùng xe rùa, người nào giỏi nhất cũng chỉ đẩy được khoảng 1 tấn dây thanh long/ngày (thu 300.000 đồng tiền công). Nhưng với chiếc máy này, chỉ cần 1 giờ đồng hồ là xong.
“Chiếc máy này cùng với 2 người trong 1 giờ có thể băm được 1 tấn dây thanh long, trong khi mức nhiên liệu tiêu thụ chỉ vào khoảng 0,5 lít xăng nên rất tiết kiệm chi phí” ông Cường cho biết.
|
Cành thanh long sau khi qua máy băm chặt có kích thước nhỏ vụn, là nguồn phân tự nhiên cho cây thanh long, giảm ô nhiễm. |
Ông Trần Minh Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp cho biết bà con nông dân trong xã rất bất ngờ trước sáng tạo của ông Cường. Qua thử nghiệm, bà con nông dân nhận thấy máy băm cành thanh long mang lại hiệu quả thực sự cho các nhà vườn. Hiện nay, Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp đang phối hợp với ngành chức năng của tỉnh Bình Thuận và thành phố Phan Thiết để bảo hộ sở hữu trí tuệ cho ông Cường và phổ biến rộng rãi sản phẩm này.
“Hội Nông dân của xã đã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Phan Thiết, Sở Khoa học Công nghệ Bình Thuận đưa sản phẩm của ông Cường đi đăng ký sản phẩm và tham dự Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật của tỉnh, qua đó tiến hành đăng ký bảo hộ sáng chế”, ông Quân cho hay.
Tỉnh Bình Thuận là địa phương có diện tích thanh long lớn nhất nước với hơn 26.000 ha. Tới đây nếu như sáng chế này được công nhận và sản xuất đại trà, thủ phủ thanh long Bình Thuận sẽ có thêm một loại máy nông cụ mới phục vụ đắc lực cho nông dân trong quá trình canh tác loại cây trồng lợi thế này của địa phương./.
VOV
Ý kiến ()