“Mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung sẽ tiết kiệm chi phí, hạn chế tiêu cực, sai phạm trong mua sắm công do việc này được thực hiện chuyên nghiệp, minh bạch…”, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính nhìn nhận.
Tiết kiệm khoảng 1 tỷ USD/năm
Để giải bài toán cân đối thu-chi ngân sách đang đối mặt với nhiều áp lực, ngoài tìm kiếm các nguồn thu mới (cũng đang gặp khó), thì việc tiết kiệm chi là một hướng không thể tốt hơn. Theo đại diện Bộ Tài chính, đây là một trong những lý do Chính phủ quyết liệt chỉ đạo áp dụng phương thức mua sắm tập trung rộng rãi từ năm 2016, sau khi áp dụng thí điểm từ năm 2008 với 23 bộ, ngành, địa phương tự nguyện tham gia đều cho kết quả tốt.
“Tổng số tiền ngân sách chi cho mua sắm tài sản công ước khoảng 200.000 tỷ đồng/năm. Qua tham khảo kinh nghiệm của các nước, áp dụng phương thức mua sắm tài sản nhà nước tập trung sẽ tiết kiệm khoảng 10-17%/tổng số tiền ngân sách chi ra hàng năm so với khi chưa thực hiện phương thức này…”, ông Thịnh cho biết tại cuộc họp báo về mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, do Bộ Tài chính tổ chức ngày 28/4.
Nghĩa là nếu Việt Nam áp dụng thành công phương thức mua sắm tài sản nhà nước tập trung như kinh nghiệm của các nước, thì mỗi năm tiết kiệm cho ngân sách trên dưới 1 tỷ USD, một con số rất đáng kể trong bối cảnh ngân sách đang ngày càng chịu nhiều sức ép tăng chi, trong khi nguồn thu khó khăn.
Khi thực hiện phương thức mua sắm tài sản nhà nước tập trung, theo phân tích của ông Thịnh, sẽ tiết kiệm chi tiêu cho ngân sách qua: khắc phục tình trạng mua tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định; minh bạch khoản hoa hồng; giảm đầu mối, nhân sự ở các bộ, ngành, địa phương; chi phí cho chọn nhà thầu giảm…
“Lấy ví dụ, một năm mua 1.500 xe ôtô, thì phải thực hiện chừng đó cuộc đấu thầu, nên tốn kém ngân sách. Thế nhưng, thực hiện phương thức mua sắm tài sản nhà nước tập trung, chỉ phải tổ chức vài cuộc đấu thầu, nên chỉ riêng việc này sẽ tiết kiệm rất đáng kể cho ngân sách…”, ông Thịnh nói.
Liên quan đến minh bạch khoản hoa hồng, theo ông Thịnh, thực ra không phải bây giờ mới thực hiện, mà đã áp dụng trước đó. Tuy nhiên, nay sẽ minh bạch hơn bởi thông tin được công khai rộng rãi để các cơ quan chức năng, báo chí, người dân giám sát. Khoản hoa hồng mà đơn vị mua sắm tài sản công được nhận từ nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ, sẽ được giao lại cho đơn vị mua sắm tài sản sử dụng vào mục đích chung phù hợp với quy định, hoặc nộp về ngân sách nhà nước.
Sắp có đầu mối mua tài sản công quốc gia
“Đến thời điểm này, Cục Quản lý công sản phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Tài chính đã có văn bản tham mưu cho lãnh đạo Bộ phương án thành lập đơn vị mua sắm tài sản công quốc gia tại Bộ Tài chính. Dự kiến trong tháng 5 này, Bộ sẽ công bố về sự ra đời của đơn vị này…”, ông Thịnh nói và cho biết thêm, việc hình thành đơn vị này được thực hiện trên nguyên tắc không tăng thêm biên chế.
Giải đáp câu hỏi của ĐTCK tại cuộc họp báo, việc áp dụng phương thức mua sắm tập trung có dẫn đến cơ chế “xin-cho”, ông Thịnh khẳng định, đơn vị sử dụng tài sản không phải “xin”, mà cơ quan đầu mối mua tài sản quốc gia cũng không thể “cho”. Lý do là bởi áp dụng cơ chế mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung, thì đơn vị mua sắm tập trung chỉ tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành chọn nhà thầu, ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn, còn các đơn vị sử dụng tài sản sẽ trực tiếp ký hợp đồng mua sắm với nhà thầu được chọn, trực tiếp thanh toán cho nhà thầu và tiếp nhận tài sản… Sự phân tách này đảm bảo minh bạch, tăng cường giám sát lẫn nhau.
Ý kiến ()