Thứ Năm, 28/11/2024 08:46 (GMT +7)

Sau hàng không, đến lượt ngành vận tải biển thấm đòn ‘bão COVID-19’

Thứ 4, 08/04/2020 | 10:35:00 [GMT +7] A  A

Ngành vận tải biển toàn cầu đã hủy 160 chuyến tàu container trong tuần vừa qua, trong bối cảnh các hãng vận tải biển tìm cách giữ giá cước phí khi phải đối mặt với thiệt hại hàng tỉ USD do nhu cầu thương mại suy giảm.

Tàu container của Hãng vận tải biển COSCO của Trung Quốc tại cảng Long Beach, Los Angeles (Mỹ) ngày 27/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Thống kê của công ty Sea-Intelligence ApS có trụ sở tại Copenhaghen cho thấy, số đơn hủy đặt tàu đã tăng từ mức 45 lượt tuần trước đó lên 212 lượt trong tuần vừa qua. Nó phản ánh một thực tế, cao điểm của vận tải biển trong mùa Hè dường như đã không còn. Ngành vốn chuyên chở phần lớn hàng hóa chế tạo, bán lẻ của toàn cầu sẽ phải trải qua những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Theo ước tính của Sea-Intelligence, các hãng tàu lớn nhất thế giới sẽ phải chịu tổn thất từ 800 triệu cho tới 23 tỉ USD trong năm nay, tùy thuộc vào tác động kinh tế mà các biện pháp đóng cửa, kiềm chế dịch COVID-19 gây ra. Cho đến thời điểm hiện nay, tác động đối với ngành vận tải biển vẫn còn ở mức nhẹ hơn nhiều so với vận tải đường không và các loại hình vận tải hành khách khác.

Thế nhưng các hãng vận tải cũng đang phải vật lộn với tình cảnh các nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng do các doanh nghiệp nội địa dừng hoạt động, nhà máy đóng băng dây truyền sản xuất, thất nghiệp gia tăng. Các hãng tàu như Maersk Line của Đan Mạch hay Mediterranean Shipping Co có trụ sở ở Thụy và Ocean Network Express Pte. Ltd của Nhật Bản đang cố tìm cách không để mức giá vận tải trên các tuyến đường biển lớn giảm mạnh trong bối cảnh năng lực vận tải vượt quá nhu cầu.

Theo Giám đốc điều hành Sea-Intelligence, ông Lars Jensen, vận tải biển đang phải đối mặt với cơn bão. Thách thức đối với toàn ngành là phải điều hòa năng lực một cách cẩn trọng sao cho không để giá thành lao dốc. Ông dự báo ngành này có thể sẽ chịu tổn thất đến 23 ti USD nếu các hãng tàu lao vào cuộc đua giảm giá cước như từng diễn ra sau khủng hoảng tài chính năm 2008, thời điểm giá vận tải chỉ đủ bù đắp chi phí nhiên liệu.

Xu hướng hủy các đơn hàng vận tải chạy trên hải trình Á-Âu hay xuyên Thái Bình Dương bắt đầu xuất hiện vào tháng 1 và tháng 2, khi dịch COVID-19 lan rộng ở Trung Quốc, buộc Bắc Kinh ép các hoạt động kinh tế trong nước xuống ngưỡng gần như ngưng trệ.

Trung Quốc giờ đây đã qua đỉnh dịch, bắt đầu khôi phục sản xuất và đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng nhu cầu hàng hóa lại giảm mạnh tại các trung tâm đô thị lớn ở Mỹ và châu Âu do lệnh phong tỏa. Một số cảng ở Mỹ đã cắt ngắn thời gian hoạt động trong ngày vì nhu cầu nhập khẩu không nhiều.

Theo Hoài Thanh (NYtimes)
https://baotintuc.vn/the-gioi/sau-hang-khong-den-luot-nganh-van-tai-bien-tham-don-bao-covid19-20200408072320739.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu