Chủ Nhật, 24/11/2024 17:36 (GMT +7)

Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch: Cơ hội và thách thức của người trồng

Thứ 5, 15/09/2022 | 16:15:51 [GMT +7] A  A

VOV.VN - các doanh nghiệp tại Đắk Lắk đang tất bật chuẩn bị cho lô sầu riêng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên ở tỉnh, sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân.

Ngay khi phía Hải quan Trung Quốc thông qua số mã vùng trồng, số cơ sở đóng gói và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Việt Nam thống nhất thời gian xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc vào ngày 17/9/2022, các doanh nghiệp tại Đắk Lắk đang tất bật chuẩn bị cho lô sầu riêng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên ở tỉnh, sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân.

Thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Tân lập, huyện Krông Buk cùng nhân viên công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, huyện Krông Búk tất bật cho chuyến hàng đầu tiên

Là một trong những công ty được phía Trung Quốc chấp nhận mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng bằng đường chính ngạch, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, huyện Krông Búk cho biết, hơn 10 ngày nay bà đã có mặt trực tiếp tại các vườn trồng để xác định các chỉ tiêu chất lượng vườn cây, phân loại những quả đủ chất lượng cho chuyến hàng đầu tiên, khoảng 40 tấn. Mặc dù có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản nhưng bà Thu vẫn có phần hồi hộp.

"Năm nào công ty cũng tiến hành xuất khẩu nhưng lần này cảm giác như trách nhiệm rất cao. Hiện nay, xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là sự mong đợi của bà con, khách hàng, chính quyền địa phương. Do đó, doanh nghiệp cố gắng làm chỉnh chu, chất lượng, ổn định để cho việc thông quan thuận lợi” - bà Nguyễn Thị Hồng Thu chia sẻ.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Lập, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có 29 thành viên, gần 50 ha được cấp 4 mã vùng trồng, sản lượng dự kiến 750 – 850 tấn, cũng đang tất bật chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên. Theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX, việc được cấp mã số vùng trồng, phải đáp ứng các yêu cầu toàn diện về chất lượng và kiểm dịch xuất khẩu, là thử thách và cũng là cơ hội để hợp tác xã khẳng định hướng phát triển bền vững của mình. 

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, huyện Krông Búk kiểm tra chất lượng trái sầu riêng

Ông Nguyễn Hữu Chiến cho biết thêm: "Sau khi được cấp mã vùng trồng thì nhiệm vụ khó khăn và lớn nhất của chúng tôi là duy trì được được mã vùng đã cấp; phải sản xuất đúng theo quy trình kỹ thuật của bên nước nhập khẩu quy định. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kết hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật và Trồng trọt và Trạm Bảo vệ thực vật và Trồng trọt để tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về quy trình canh tác sầu riêng bền vững cho nông dân nhằm nâng cao chất lượng trái sầu riêng cũng như đáp ứng tốt các yêu cầu của nước nhập khẩu không chỉ riêng thị trường Trung Quốc”.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có hơn 15.100 ha sầu riêng, chiếm 35% tổng diện tích cây ăn quả, ước sản lượng thu hoạch 170.000 tấn. Trong danh sách được phía Hải quan Trung Quốc phê duyệt mới đây, Đắk Lắk là tỉnh được phê duyệt nhiều nhất với 23 mã vùng trồng và 4 mã cơ sở đóng gói. Ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai các thủ tục bắt buộc đến các nông dân, doanh nghiệp để tất cả cùng cố gắng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Công nhân công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu sắp xếp nhưng trái đạt chất lượng xuất khẩu. Tuyển chọn những quả sầu riêng đạt chuẩn từ vườn cây đã được cấp mã vùng trồng

"Về phía tỉnh tiếp tục có những hướng dẫn để phía doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân ý thức, nhận thức được thực hiện đúng các nội dung để đảm bảo tận dụng các cơ hội xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc đảm bảo chất lượng và hướng đến đảm bảo uy tín của tỉnh của doanh nghiệp trong thời gian đến” - ông Nguyễn Hữu Chiến cho biết./.

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu