Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 03:21 (GMT +7)
Sẽ đưa lễ hội chọi trâu Đồ Sơn về đúng giá trị nguyên gốc
Thứ 4, 05/07/2017 | 10:46:00 [GMT +7] A A
Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, việc tổ chức lễ hội chọi trâu như hiện nay đang làm sai lệch, biến tướng lễ hội theo hướng có biểu hiện trục lợi, yếu tố thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi.
Trận đấu giữa trâu số 08 và trâu số 11 tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Tại vòng đấu loại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) ngày 1/7 vừa qua đã xảy ra một sự cố đáng tiếc.
Con trâu số 18 đã bất ngờ “nổi điên”, húc trọng thương người chủ khiến ông này tử vong. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ngay lập tức vào cuộc, yêu cầu UBND thành phố Hải Phòng, Quận Đồ Sơn phải dừng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017 nếu không đảm bảo được yếu tố an toàn cho du khách và người tham gia lễ hội.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Bản chất của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là không xấu, lễ hội đã sống và đi vào tâm thức của người dân miền biển từ rất lâu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu, quản lí và văn hóa đều thấy rằng việc tổ chức lễ hội chọi trâu như hiện nay đang làm sai lệch, biến tướng lễ hội theo hướng có biểu hiện trục lợi, yếu tố thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tình hình tại Đồ Sơn ngay sau khi xảy ra sự cố nêu trên. Bà cho biết: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức hàng năm qua nhiều năm cũng có xảy ra sự cố trâu húc người nhưng thực sự chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng như vòng đấu loại năm 2017.
Về mặt văn bản chỉ đạo, tổ chức lễ hội cơ bản đáp ứng yêu cầu của Bộ nhưng thực tế vẫn có những vấn đề cần phải nghiêm túc xem xét lại. Đó là việc Ban tổ chức chưa lường trước được các sự cố, tình huống xấu nhất xảy ra để có phương án xử lí kịp thời, đảm bảo an toàn cho du khách, người tham gia lễ hội. Do đó, khi xảy ra hiện tượng trâu có biểu hiện bất thường, “nổi điên” quay lại tấn công người chủ thì ban tổ chức gần như không có phản ứng gì hoặc phản ứng rất chậm, không có phương án khống chế trâu hiệu quả…
Bà Trịnh Thị Thủy cho rằng: Lễ hội chọi trâu khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nghĩa là phải có giá trị nhất định về mặt văn hóa, tâm linh, thỏa mãn được nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng. Lễ hội lúc nào cũng gồm phần lễ và phần hội, nhưng cách tổ chức như hiện nay gần như coi nhẹ phần lễ, quảng bá, giới thiệu các giá trị tín ngưỡng, tâm linh, văn hóa của lễ hội ít được đề cập đến, chủ yếu nhấn vào phần hội chọi trâu. Phần chọi trâu chỉ là phần nhỏ của lễ hội, nhưng hiện nay lại được coi trọng hơn, tức là việc tổ chức đang lệch ra khỏi hồ sơ lễ hội đã được công nhận.
Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các đơn vị chức năng của Hải Phòng cần rà soát lại công tác tổ chức, để đưa lễ hội chọi trâu trở về đúng với bản chất văn hóa truyền thống, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, đời sống lành mạnh của cộng đồng. Bởi hiện nay, lễ hội này đã có những biểu hiện trục lợi, thương mại hóa như mổ thịt trâu bán giá cao, phó thác hoàn toàn cho chủ trâu nuôi, huấn luyện, đã xảy ra tình trạng gọt sừng trâu sắc để gây hại cho đối phương.
Những việc này không thể hiện được cái hồn của lễ hội là giáo dục, trao truyền cho thế hệ sau những giá trị chân, thiện, mỹ của lễ hội mà còn kích động bạo lực. Dư luận cũng đặt ra vấn đề có hay không việc cá cược, sử dụng chất kích thích cho trâu, thu tiền các chủ trâu để được tham gia lễ hội…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng, cộng đồng người dân xem xét, thảo luận công khai để có thể tìm ra phương án bảo tồn, phát huy được giá trị di sản, đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn, đúng với giá trị của di sản văn hóa.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận năm 2013. Đây là một lễ hội truyền thống của người dân làng chài ở vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm.
Lễ hội này có sự giao thoa giữa yếu tố văn hóa nông nghiệp vùng đồng bằng với văn hóa cư dân ven biển để tưởng nhớ công ơn các vị thần, duy trì kỉ cương làng xã, cầu cho “nhân khang vật thịnh”, khẳng định tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng. Lễ hội này gắn việc thờ cúng thủy thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu…
Xưa, lễ hội chọi trâu diễn ra tại vùng đất cát ven biển, chỉ có sự tham gia của cộng đồng người dân địa phương. Còn nay, lễ hội được mở rộng về quy mô, có sự tham gia của nhiều lực lượng chứ không phải chỉ có người dân địa phương…
Ý kiến ()