Thứ Tư, 27/11/2024 02:54 (GMT +7)

Sẽ gắn thiết bị giám sát an ninh với 600 nguồn phóng xạ lớn

Thứ 5, 07/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Sẽ lắp thiết bị giám sát đối với các nguồn phóng xạ lớn từ 1/4. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 7/1, ông Vương Hữu Tấn (Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cho biết, dự kiến từ tháng 4/2016, khoảng 600 nguồn phóng xạ lớn trên toàn quốc sẽ được gắn thiết bị giám sát an ninh.

Theo ông Tấn, các nguồn phóng xạ được lắp đặt thiết bị có hoạt độ lớn, có thể gây chết người (như vụ nguồn bị mất tại Thành phố Hồ Chí Minh và sau 5 ngày đã tìm thấy). Đây cũng là yêu cầu mà Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa vào Thông tư 23/2015/TT-BKHCN.

Trong khi đó, đối với nguồn phóng xạ nhỏ như trường hợp nguồn Cs-137 tại Bắc Kạn bị mất cắp vừa qua, cần tăng cường quản lý, bảo đảm tránh bị mất trộm.

Lãnh đạo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cũng cho biết hiện có 3 cơ sở trong nước có thể chế tạo thiết bị giám sát nguồn phóng xạ. Trong quý 1 sẽ thử nghiệm và tháng Tưsẽ triển khai trên quy mô rộng.

Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: desmogblog.com)

Hiện, chỉ tính riêng Hà Nội hiện có 35 nguồn phóng xạ cần phải lưu giữ, ngoài ra còn rất nhiều địa phương khác, tuy nhiên kho lưu trữ nguồn phóng xạ tập trung đang gặp khó khăn. Ông Tấn cho biết đã có kiến nghị với Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia, kiến nghị với Thủ tướng và đã được đồng ý về việc nâng cấp các kho lưu giữ nguồn phóng xạ qua sử dụng tại Bộ Tư lệnh hóa học, phục vụ lưu giữ các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng của cả nước.

“Cố gắng trong năm 2016 thu hết các nguồn phóng xạ hiện nay đã qua sử dụng nhưng còn lưu giữ ở các cơ sở, nhưng không có điều kiện quản lý tốt,” ông Tấn nói.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc thì cho hay, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, nguồn phóng xạ sử dụng trong nông nghiệp, công nghiệp, y tế ngày càng lớn. Phóng xạ được sử dụng ở rất nhiều dây chuyền sản xuất, từ sản xuất sữa, kẹo, đường, xi măng… nên chắc chắn công tác quản lý ngày càng khó khăn hơn. Do đó, cần tiếp tục xây dựng văn bản pháp quy để quản lý ngày càng tốt hơn, bởi nếu mất các nguồn phóng xạ lớn có thể gây mất an ninh.

Trước câu hỏi của phóng viên VietnamPlus về xử phạt thế nào đối với doanh nghiệp để mất Cs-137 và đến nay vẫn chưa tìm thấy, Cục trưởng Vương Hữu Tấn cho biết đã có Nghị định về xử phạt, còn mức xử phạt như thế nào sẽ được đơn vị này làm việc với tỉnh Bắc Kạn…/.

Trung Hiền (Vietnam )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu