Người dân Singapore có thể vẫn phàn nàn về việc chi phí sinh hoạt đắt đỏ, song điều này không ngăn cản quốc gia của họ được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo một cuộc khảo sát mới nhất của Liên hợp quốc.
Ở bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, Singapore cũng đã tiến thêm hai bậc để lên vị trí thứ 22.
Cuộc khảo sát đã tiến hành thăm dò ý kiến khoảng 3.000 người tại mỗi quốc gia và yêu cầu họ đánh giá mọi mặt của đời sống qua 11 yếu tố theo thang điểm từ 0-10.
Theo khảo sát, Singapore được 6,739 điểm “chỉ số hạnh phúc” trong một thống kê của Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2016, được Liên hợp quốc xuất bản.
Đan Mạch, nước xếp hạng hạnh phúc nhất trên thế giới, đã đạt số điểm là 7,526; theo sau là Thụy Sĩ với số điểm là 7,509. Các nước và vùng lãnh thổ khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong top 50 là Thái Lan (xếp thứ 33), hòn đảo Đài Loan (35) và Malaysia (47). Những nơi bất hạnh trong danh sách 157 quốc gia là Togo, Syria và Burundi.
Theo báo cáo, sáu yếu tố then chốt cho thấy sự khác biệt giữa các quốc gia được khảo sát bao gồm thu nhập bình quân đầu người tính theo tổng sản phẩm trong nước, mức độ hỗ trợ xã hội, tuổi thọ, tự do lựa chọn cuộc sống, sự hào phóng và tham nhũng.
Báo cáo này cũng chỉ ra Bhutan là quốc gia xếp thứ nhất bảng xếp hạng toàn cầu về sự “bình đẳng của hạnh phúc,” một biện pháp mới mà các biên tập viên đang đề xuất để đo lường sự bất bình đẳng toàn cầu, với 1,294 điểm. Theo bảng xếp hạng này, một số lớn hơn sẽ biểu thị sự bất bình đẳng ngày càng tăng.
Trong khi đó, Nam Sudan là nước có sự bất bình đẳng cao nhất trên thế giới khi đứng cuối cùng trong danh sách với 3,044 điểm./.
Ý kiến ()