Trong khi tại thị trường miền Nam, gạo Campuchia đang được nhiều khách hàng ưa chuộng dù giá thành cao thì ở miền Bắc, gạo Campuchia vẫn chưa xuất hiện nhiều và chưa được đông đảo người tiêu dùng biết đến.
Chưa gây “cơn sốt” như ở miền Nam
Mặc dù ở thị trường miền Nam, các loại gạo Campuchia đã trở nên quen thuộc và đang ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, tại miền Bắc, các loại gạo Campuchia, dù đã xuất hiện nhưng chưa tạo nên “cơn sốt” như tại các tỉnh phía Nam trong thời gian qua.
Chị Nguyễn Thị Huyền, chuyên buôn bán gạo tại chợ đâu mối Long Biên (Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, các loại gạo ở miền Nam bán tại thị trường ngoài Bắc chủ yếu là các loại gạo thơm, gạo dẻo. Tuy nhiên, do các loại gạo này dẻo, thơm như gạo nếp nhưng nhạt nên thường trộn với các loại gạo cho cơm khô để cơm dẻo, thơm và ngọt hơn. Gạo Campuchia cũng có bán ở Hà Nội nhưng ít và chưa nhiều khách hàng biết đến.”
Các loại gạo miền Nam thì có đặc tính hạt đẹp đều, xay xát có thêm quá trình đánh bóng nên những loại gạo này khi nấu thường cho cơm dẻo, trắng nhưng khi ăn cơm lại có cảm giác hơi nhạt. Gạo Campuchia vừa có được những đặc tính của gạo miền Nam là hạt gạo đều đẹp nhưng khi nấu lại nở hơn, ngọt hơn các loại gạo miền Nam. Tuy nhiên, gạo miền Bắc có nhiều giống gạo dẻo, thơm, vị ngọt nên gạo Campuchia không dễ để cạnh trạnh với các loại gạo phía Bắc.
Chị Nguyễn Thu Quỳnh (Lĩnh Nam, Hà Nội) cho biết, gia đình chị thích ăn gạo dẻo, thơm nên chọn gạo Tám Xoan Hải Hậu, hạt gạo thon nhỏ, mùi thơm nhẹ, nấu cơm có vị ngọt đậm còn các loại gạo dẻo thơm nhập khẩu khác của Thái Lan và Nhật Bản, chị đều đã mua thử nhưng nấu cơm vị nhạt hơn.
Hiện nay, tại miền Bắc, các loại gạo thơm, dẻo, ngọt cơm được khách hàng ưa chuộng gồm: Gạo Tám Xoan, Tám Điện Biên, Bắc Hương… có giá từ 15-20.000 đồng/kg. Trong khi đó, gạo Campuchia chủ yếu gồm các loại: Sa Mơ, Lài Sữa, Lài Miên, Móng Chim, Sóc Miên… với giá khoảng 18.000-25.000 đồng/kg tùy từng loại. Về giá thành, gạo Campuchia có giá cao hơn các loại gạo dẻo đang được ưa chuộng tại phía Bắc.
Anh Thành, một tiểu thương kinh doanh gạo cho biết, hiện nay gạo Campuchia chủ yếu bán tại thị trường miền Nam là do nguồn cung không lớn nên chưa chuyển ra phía Bắc nhiều. Tuy nhiên, gạo Campuchia được đánh giá là gạo lúa mùa, loại lúa ít sử dụng thuốc trừ sâu nên “sạch” hơn, an toàn hơn, vì thế rất có thể nếu đưa ra thị trường ngoài Bắc dù giá cao hơn các loại khác vẫn có thể cạnh tranh được.
Đánh động doanh nghiệp Việt
Đánh giá về chất lượng gạo Campuchia, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề Muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Lê Văn Bảnh cho biết, gạo Campuchia đa số là gạo mùa, gạo được trồng duy nhất một vụ/năm nên sản lượng không nhiều, năng suất thấp. Tuy nhiên, thông thường những giống gạo này có thời gian trồng dài nên có chất lượng tốt hơn.
Cục trưởng Lê Văn Bảnh cũng cho hay, hiện nay việc nhập các sản phẩm gạo Campuchia chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch nên khó kiểm soát được số lượng và chất lượng. Gạo Campuchia hiện được cung cấp chủ yếu ở một số thị trường khu vực miền Nam và theo thị hiếu người tiêu dùng cũng có một bộ phận khách hàng ưa chuộng các sản phẩm này.
“Hiện không ai thống kê được bao nhiêu phần trăm, hay bao nhiêu người sử dụng gạo Campuchia, song nếu có thống kê thì chưa chắc đã được 5-10% số dân ưa chuộng. Thêm vào đó, việc nhập khẩu chủ yếu là đường tiểu ngạch nên về vấn đề chất lượng gạo Campuchia hơn gạo Việt Nam thì cũng chưa chắc,” ông Bảnh nói.
Trên thực tế, các sản phẩm gạo như gạo Campuchia, gạo Thái Lan nhập sang Việt Nam ít khi để nguyên bao, bày bán theo xô mà các sản phẩm thường được đóng gói phải có bao bì, nhãn mác rõ ràng, có các thông số chất lượng….Thế nhưng, nhiều khi gạo trong nước nhưng lại được quảng cáo là gạo nhập để “đánh” vào thị hiếu của người tiêu dùng.
Việc người tiêu dùng có sử dụng sản phẩm gạo Campuchia, đối với thị trường lúa gạo trong nước cũng không có gì đáng ngại do Campuchia có diện tích trồng, sản lượng gạo, năng suất không nhiều để xuất khẩu trên thị trường. Tuy nhiên, đối với thị trường gạo hiện nay, các vấn đề cạnh tranh được đặt lên hàng đầu là chất lượng, giá cả, mẫu mã chứ không chỉ về sản lượng.
“Qua vấn đề này, cũng đánh động các doanh nghiệp phải tự tổ chức lại sản xuất để mình chọn giống năng suất, chất lượng, đảm bảo vấn đề thương hiệu, mẫu mã để tăng sức cạnh tranh để làm sao người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu gạo trong nước,” ông Bảnh nhấn mạnh.
Sản phẩm gạo Campuchia đang được người Việt ưa chuộng do chất lượng, mẫu mã hơn gạo Việt, thậm chí ngay cả khi gạo Camphuchia giá cao hơn vẫn có thể cạnh tranh với gạo Việt. Sản lượng, năng suất không còn là yếu tố quyết định, đã đến lúc, con đường xây dựng thương hiệu chính là con đường phát triển bền vững cho lúa gạo Việt Nam./.
Ý kiến ()