Thứ Ba, 26/11/2024 12:45 (GMT +7)

Sức sống của Ngày thơ Việt Nam

Thứ 6, 10/02/2017 | 16:44:00 [GMT +7] A  A

Sau 14 lần tổ chức, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng hàng năm đã lan tỏa rộng trên phạm vi cả nước.

Ngày thơ Việt Nam thực sự trở thành một lễ hội tao nhã, tôn vinh các giá trị nhân văn sâu sắc, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo công chúng yêu văn học.

Lan tỏa tình yêu thơ ca

Ngày Thơ Việt Nam thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước tới thưởng lãm. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Ngày thơ thường được chuẩn bị công phu, tổ chức trang trọng, mỗi năm đều mang một diện mạo, sắc thái riêng. Hàng năm, hầu hết các địa phương trong cả nước đều tích cực hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng.

Đặc biệt năm 2015, Ngày thơ đã rất thành công khi được kết nối tốt với Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3 và Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình dương lần thứ 2. Đây là hoạt động ý nghĩa, góp phần đưa thơ Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, giúp lan tỏa tỉnh yêu thi ca tới người dân khu vực và thế giới.

Tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 năm 2015, nhà văn nhân dân Luginov Nikolai Alekseevich, Chủ tịch Hội Nhà văn Nga, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Yakutia từng đánh giá cao về Ngày thơ Việt Nam bởi sự kiện đã hội tụ được đông đảo nhà văn, nhà thơ, người yêu thơ khắp mọi miền đất nước.

Ở thời điểm ấy, dù vẫn nghĩ, tình yêu với thơ ca là khởi nguồn của sự cao thượng, sự phát triển của cả dân tộc, nhà văn Luginov Nikolai Alekseevich cũng cảm thấy rất “ghen tị” khi chứng kiến ở Việt Nam, mọi người đều nghe thơ rất chăm chú, bất chấp thời tiết mưa gió. Ông cho rằng xây dựng được ngày thơ truyền thống như vậy thật không dễ dàng và hy vọng Việt Nam tiếp tục duy trì được lễ hội thi ca đẹp đẽ này.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cũng khẳng định: Ngày thơ Việt Nam đã đi qua một đoạn đường khá dài. Thơ ca đã có vị trí rất đặc biệt trong đời sống tinh thần, văn hóa của người Việt. Để nhân lên sức sống của Ngày thơ Việt Nam, năm nay sự kiện này được chuẩn bị kỹ càng, đầu tư công phu với nhiều điểm mới về nội dung, hình thức; mở rộng hơn nhằm quy tụ, giới thiệu chân dung, sáng tác của nhiều nhà thơ tiêu biểu.

Năm nay, Ban Tổ chức Ngày thơ Việt Nam cũng mời nhiều nhà thơ, nhà văn sinh sống ở nước ngoài về sự tham dự. Và t ừ năm 2017 trở đi, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ chọn lựa những tác giả đoạt giải thưởng về văn, thơ lớn để tôn vinh, tham gia chia sẻ và giao lưu với bạn đọc.

Những dấu mốc mới của Ngày thơ 2017

Ngày thơ Việt Nam 2017 với những dấu mốc mới sẽ đánh dấu chặng đường phát triển mới của sự kiện này trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại.

Với tinh thần sáng tạo, đồng hành cùng dân tộc và hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà thơ nhiều thế hệ sẽ cùng hiện diện tại sân thơ truyền thống (sân thơ trước), cùng nhau viết tiếp những vần thơ hay ca ngợi con người, văn hóa, dân tộc trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước…

Có lẽ để tăng tính đại chúng cho Ngày thơ, các hoạt động thi thơ, diễn thơ, đố thơ, tặng thơ, tặng chữ, thơ câu đối… ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tinh thần sáng tạo, đoàn kết của dân tộc được tổ chức khắp mọi miền Tổ quốc.

Là người xây dựng ý tưởng cho sân thơ trước, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng: Ngày thơ Việt Nam năm nay cũng là Ngày Văn học Việt Nam khi mà lần đầu tiên trên sân thơ ở Văn Miếu, các nhà văn sẽ hiện diện.

Sân thơ sẽ tôn vinh các nhà văn vừa được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Tại đây, nhà văn Chu Lai tác giả tiểu thuyết “Mưa đỏ” và nhà văn Lê Thị Minh Khuê tác giả tập truyện ngắn “Làn gió chảy qua” sẽ giao lưu với độc giả về văn học chiến tranh và văn học thời hậu chiến.

Có thể coi sân thơ sau là sân thơ mở, nơi tập trung nhiều hoạt động tôn vinh những nhân vật của năm 2016 về thơ ca, trong đó có những tác giả đạt giải thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội, hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là ghi nhận của nhà thơ Hữu Việt, người trực tiếp lên ý tưởng xây dựng sân thơ này.

Tại đây sẽ trình diễn các sản phẩm thi họa trên gốm của sĩ họa Lê Thiết Cương; tổ chức các hoạt động ca múa nhạc với sự tham gia của sinh viên, học sinh nhiều trường phổ thông, cao đẳng, đại học cùng các câu lạc bộ thơ. Công chúng sẽ được thưởng thức các sáng tác được phổ nhạc từ thơ như: “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Thời hoa đỏ”, “Đất nước”, “Khúc hát sông quê”…

Năm nay, Ban tổ chức vẫn dành một không không gian đặc biệt cho thơ thiếu nhi. Cuộc thi thơ, hoạt động về thơ của các thiếu nhi sẽ diễn ra tại “Không gian thơ thiếu nhi Việt Nam”. Tại đây, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt ấn bản mới tập thơ thiếu nhi “Hỏi lá hỏi hoa” của nhà thơ Cao Xuân Sơn, tập thơ nằm trong phiên bản mới của bộ “Thơ với tuổi thơ” – tuyển chọn những tập thơ hay nhất viết cho thiếu nhi.

Một loạt ấn phẩm đặc biệt được đầu tư về hình thức, mỹ thuật cũng được giới thiệu với độc giả nhằm khích lệ, động viên, nuôi dưỡng tình yêu với thi ca ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Dạo qua không gian thơ thiếu nhi, độc giả không chỉ được ngâm nga những bài thơ, vần thơ kinh điển mà còn được thưởng thức những tác phẩm hội họa giàu mỹ cảm.

Lần đầu tiên “Con đường thi nhân” được mở tại Ngày thơ Việt Nam. Trên con đường này, tên tuổi các nhà thơ danh tiếng trong làng thi ca Việt Nam sẽ được giới thiệu cùng những vần thơ hay nhất của họ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, đây là một ý tưởng hay, xuất phát từ việc nhìn lại 60 năm hình thành, phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam. Về không gian con đường có giới hạn nhưng về thời gian thì nó là vô tận. Bởi vậy, nếu có điều kiện, Ban Tổ chức sẽ dựng tượng các nhà thơ danh tiếng trên con đường này.

Năm nay, với “Con đường thi nhân” lần đầu tiên mở, công chúng vẫn có thể đi dưới bầu trời ngợp những hình ảnh, câu thơ hay về đất nước, niềm hy vọng, tình yêu và cả những nỗi niềm của những thi sĩ. Con đường đặc biệt này sẽ giúp công chúng phần nào hình dung được quá trình hình thành, phát triển của thi ca Việt Nam cũng như thêm yêu tinh thần, vẻ đẹp của dân tộc Việt.

Cùng với “Con đường thi nhân”, triển lãm “60 năm Hội Nhà văn Việt Nam” sẽ diễn ra tại Hồ Văn với những bức ảnh độc đáo, trong đó có nhiều bức chưa được công bố về hoạt động, quá trình hình thành và phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam, về các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của Hội.

Hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam năm nay, các địa phương sẽ tổ chức hoạt động tôn vinh thi ca ở các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cơ sở giáo dục. Riêng tại tỉnh Thái Nguyên, Ngày thơ sẽ được tổ chức trang trọng tại An toàn khu Định Hóa – nơi 70 năm trước đây Bác Hồ viết bài thơ “Nguyên tiêu”…

Ngày 11/2, đúng ngày rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu, tiếng trống khai hội thơ đặc biệt của Làng thơ Việt sẽ vang lên rộn rã trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Cầu chúc cho Ngày thơ Việt Nam sẽ đẹp mãi trong lòng người yêu thơ cả nước cũng như bạn bè quốc tế.

Mỹ Bình (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu