Thứ Sáu, 29/11/2024 07:34 (GMT +7)

Sụt lún đang là thách thức lớn đối với Đồng bằng Sông Cửu Long

Thứ 7, 27/10/2018 | 10:26:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN -Trong 25 năm qua, tốc độ sụt lún đất trung bình của toàn đồng bằng là 18cm, có những điểm trên 30cm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún đang là những thách thức lớn đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong thời gian vừa qua, tình trạng khai thác nước ngầm và đô thị hóa đã làm cho khu vực này đang bị sụt lún nghiêm trọng.

Theo thống kê, trong 25 năm qua, tốc độ sụt lún đất trung bình của toàn đồng bằng là 18cm, có những điểm trên 30cm và chưa có dấu hiệu dừng lại, từ khu vực nông thôn đến thành thị đang là những nơi gánh chịu hậu quả của tình trạng sụt lún này.

Các điểm sạt lở diễn ra ngày một trầm trọng.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân gây ra sụt lún tại ĐBSCL là do khai thác mực nước ngầm quá mức, chỉ tính riêng năm 2015 sụt lún trung bình toàn đồng bằng là 1,1 cm. Các thành phố và các vùng công nghiệp có tốc độ sụt lún nhanh hơn đến 2,5cm/năm so với các vùng nông thôn khoảng 1,0 -2,0 cm/năm. Các đô thị như Cần Thơ, Vĩnh Long nằm trong vùng đã sụt lún 20cm trong giai đoạn 25 năm qua.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL – nhận định: Nguyên nhân gây ra sụt lún ở ĐBSCL là do khai thác nước ngầm và hệ thống đê bao khép kín khắp nơi đã dẫn tới ngập úng ở nhiều nơi, tốc độ sụt lún ở khu vực thành thị đang nhanh hơn so với khu vực nông thôn.

Trong 25 năm qua, Cần Thơ đã lọt vào vùng đã sụt lún tổng cộng 20cm và đây cũng là câu chuyện chính cho cả ĐBSCL. Việc khai thác nước ngầm quá mức nằm ở hai nguyên nhân. Đối với vùng ven biển thì khai thác nước ngầm là vì thiếu nước ngọt và nghịch lý này ai cũng thấy rõ. Còn nghịch lý thứ hai là vấn đề canh tác nông nghiệp dẫn đến ô nhiễm các sông ngòi hiện nay. Nếu như trước đây nhiều kênh, rạch còn dùng để sinh hoạt được thì nay đã bị ô nhiễm. Vì vậy, toàn bộ ĐBSCL gần như chỉ sử dụng nước ngầm ngoại trừ ở ven các sông lớn.

sut lun dang la thach thuc lon doi voi dong bang song cuu long hinh 2

Mỗi năm ĐBSCL bị sụt lún từ 1 đến 2,5cm

Ông Thiện cho rằng, để giải quyết gốc rễ vấn đề sụt lún hiện nay của ĐBSCL là bớt sử dụng nước ngầm. Muốn bớt sử dụng nước ngầm thì nước sông phải sử dụng được, mà muốn phục hồi sông ngòi thì phải chuyển hướng nền nông nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 120 của Chính phủ là giảm thâm canh, chú trọng chất lượng hơn số lượng để giảm bớt phân bón thuốc trừ sâu mà sông ngòi phải gánh.

“Cần phải để cho sông ngòi thông thoáng thì mới hết ô nhiễm. Theo tinh thần Nghị quyết 120 cây lúa không phải ưu tiên hàng đầu nữa, mà ưu tiên thủy sản, cây trồng khác rồi mới tới lúa và xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên. Do đó, nếu chuyển đổi canh tác theo hướng này thì nên giảm bớt việc ngăn sông ngòi bằng công trình, để sông ngòi thông thoáng hơn thì mới giảm ô nhiễm được. Khi giảm được canh tác lúa trong mùa lũ thì sông ngòi sẽ có không gian để phân chia nước, các đô thị mới giảm ngập sâu được” – ông Thiện cho biết.

Ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất về Quản lý nước và Biến đổi khí hậu, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan cho rằng: ĐBSCL đang phải đối mặt với 3 thách thức là phù sa từ thượng nguồn sông Me Kong đang giảm; thứ 2 là mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu; thứ 3 là việc khai thác nước ngầm đã làm cho đất ở khu vực này lún nhanh hơn.

Mỗi năm nước biển dâng 3mm/năm, tình trạng sụt lún đất lại đang diễn ra 2,5cm mỗi năm, việc khai thác nước ngầm nhiều sẽ làm cho đất bị nén lại và sẽ bị chìm, khi đó lũ lụt, xâm nhập mặn sẽ xảy ra nhiều hơn. Chính vì vậy, cần phải có biện pháp ngay từ bây giờ để hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong quản lý tài nguyên nước.

“Khi chúng ta khai thác nước ngầm nhiều như vậy thì đất sẽ bị nén lại nhiều hơn và khi đó nó sẽ lún xuống thấp hơn, tức là đất ngày càng chìm xuống. Đồng thời khi đó sẽ thấy hiện tượng xâm nhập mặn cũng như lũ lụt xảy ra nhiều hơn. Chính vì vậy bây giờ cần phải phòng ngừa và hạn chế sử dụng” – ông Laurent Umans cho biết.

sut lun dang la thach thuc lon doi voi dong bang song cuu long hinh 3

Người dân lo lắng về sinh kế của gia đình

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc khai thác nước ngầm quá mức đang gây ra tình trạng sụt lún ngày càng trở nên trầm trọng, khiến cho nhiều đô thị ngày càng ngập sâu. Ngoài ra, hệ thống đê bao khép kín phục vụ sản xuất nông nghiệp và đô thị hóa nhanh ở các địa phương cũng khiến cho sụt lún ngày càng nhanh. Vấn đề cấp bách hiện nay là phải kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nước ngầm, đối với các vùng ven biển cần chuyển đổi sinh kế phù hợp và coi nước mặn, nước lợ là một lợi thế, khi đó vấn đề sử dụng nước ngọt sẽ ít đi và giảm thiểu được vấn đề sụt lún của ĐBSCL.

“Đầu tiên phải kiểm soát được việc khai thác nước ngầm. Khu vực nào cần nhiều nước ngọt, đặc biệt là vùng ven biển hiện nay thì theo đúng chỉ đạo của Chính phủ là phải chuyển đổi sinh kế, mà chúng ta tận dụng được chính lợi thế của nước mặn, nước lợ để phát triển sinh kế thì khi đó nước ngọt sẽ cần ít đi. Thứ 2, phải đưa nước ngọt về các vùng đang thiếu. Đó là những giải pháp đồng bộ cần phải triển khai để giảm thiểu được sử dụng nước ngầm, từ đó giảm thiểu được phần nào khả năng sụt lún của đồng bằng”- ông Sơn nêu ý kiến.

Sụt lún đang là vấn đề lớn đối với ĐBSCL, không chỉ gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương mà gần 20 triệu dân đồng bằng đang có nguy cơ bị ảnh hưởng khi nguồn tài nguyên nước bị đe dọa; nước biển dâng, sạt lở bờ sông, bờ biển đang là những thách thức cho cả đồng bằng. Vì vậy, các địa phương cần có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, trong đó triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Theo Phạm Hải/VOV-ĐBSCL

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu