Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 12:36 (GMT +7)
Tác động khi đồng nhân dân tệ vào “rổ” tiền tệ quốc tế
Thứ 6, 11/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Việc đồng nhân dân tệ (NDT) chính thức có tên trong rổ tiền tệ tác động không ít thì nhiều tới nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, về lâu lài tác động này còn mạnh hơn theo hướng bất lợi nhiều hơn có lợi, đồng thời cũng ảnh hưởng tới chính sách giữ ổn định tỷ giá ngoại tệ của Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên TTXVN và ông Nguyễn Trí Hiếu xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào khi đồng NDT được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chính thức công nhận là 1 trong 5 đồng tiền nằm trong rổ tiền tệ thế giới?
Có thể thấy là sau nhiều nỗ lực vận động, Trung Quốc đã thành công trong việc nâng vị thế của đồng NDT khi IMF công nhận sự tham gia của đồng NDT trong rổ tiền tệ quốc tế của IMF để định giá SDR. Điều đó tốt cho thế giới, khi có thêm 1 đồng tiền nữa được thế giới thừa nhận là thành phần chủ yếu trong dự trữ quốc tế và sử dụng trong giao dịch thương mại và thanh toán quốc tế. Từ đây, Trung Quốc không chỉ được nâng cao uy tín quốc gia mà đồng tiền của nước này còn nằm trong dự trữ quốc gia của phần lớn các quốc gia trên thế giới, được các quốc gia thành viên của IMF dùng để trao đổi, mua bán SDR nhằm cân đối thanh khoản và cân đối cán cân thanh toán.
Giao dịch ngoại tệ tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) chi nhánh Hà Nội (ảnh tư liệu). |
Tuy nhiên, để được tham gia vào rổ tiền tệ quốc tế thì đồng NDT phải được vận hành theo cung cầu thị trường, có nghĩa là NDT sẽ phải được sử dụng một cách tự do, đồng nghĩa với việc thả nổi và hoán đổi tự do, trong khi hiện tại, Nhà nước Trung Quốc đang theo đuổi chính sách quản lý ngoại hối. Điều đó dẫn đến việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ buộc phải thay đổi chính sách này, phải đưa đồng NDT vào quỹ đạo chung của các đồng tiền có thể hoán đổi tự do như các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ của IMF.
Điều đó có được hiểu rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục phải phá giá đồng NDT không, thưa ông?
Theo suy luận của cá nhân tôi thì lần phá giá đồng NDT hồi cuối tháng 8 vừa qua cũng nằm trong lộ trình thể hiện ý định thả nổi đồng bản tệ của Trung Quốc khi muốn tham gia vào rổ tiền tệ quốc tế.
Theo diễn biến này, đồng NDT đang được định giá ở mức gần 6,4 NDT/USD thì kịch bản tiếp theo có thể sẽ là 6,5 đến 6,7 NDT/USD trong vài tháng tới. Trong khi đó, nếu đồng Việt Nam (VND) lại tiếp tục neo cứng với đồng USD thì đồng VND sẽ tăng giá hơn so với đồng NDT. Rõ ràng sẽ là bất lợi rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và có lợi cho hàng nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc vì hàng xuất khẩu của Việt Nam tính ra USD hay NDT sẽ trở nên đắt đỏ hơn và hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tính ra USD hay NDT sẽ rẻ hơn.
Nhập siêu từ Trung Quốc trong nhiều năm qua được xem là điều tất yếu trong quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam với Trung Quốc khi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm sản phẩm nguyên vật liệu đầu vào cho những sản phẩm chủ yếu của Việt Nam như sản phẩm chăn nuôi, tơ sợi, công nghệ thấp và cao. Nhập siêu với Trung Quốc ngày càng tăng cao, nay lại thêm áp lực mất giá của NDT, do vậy đồng VND cần phải điều chỉnh hợp lý để đối phó với những biến động của cả hai thị trường hàng hóa và tài chính.
Qua phân tích của ông có thể thấy trong vòng nửa năm tới, đồng VND và đồng USD sẽ khó tránh khỏi áp lực điều chỉnh tỷ giá, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất vào trung tuần tháng 12 này?
Đúng là khi FED tăng lãi suất sẽ lại thêm một áp lực mới đối với đồng VND bên cạnh những tác động từ việc Trung Quốc thả nổi đồng NDT.
Không nghi ngờ gì về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ nỗ lực thực hiện cam kết ổn định tỷ giá ngoại hối từ nay cho tới năm sau. Tuy nhiên, để đảm bảo chắc chắn cho những cam kết ấy được thực hiện, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ khó tránh khỏi sử dụng biện pháp bán ngoại tệ ra thị trường để hạ nhiệt giá USD. Nhất là vào thời điểm cuối năm, thường là lúc các doanh nghiệp đang có nhu cầu ngoại tệ rất lớn để thanh toán, nhập khẩu hàng hóa chuẩn bị cho dịp lễ Tết sắp đến và Nhà nước cũng cần ngoại tệ để trả nợ nước ngoài.
Khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng việc bán ngoại tệ ra thị trường để ổn định và duy trì tỷ giá thì có thể hiểu, đó là cách cuối cùng và cũng không phải giải pháp lâu dài. Nếu Ngân hàng Nhà nước có bán USD ra thị trường để ổn định tỷ giá cũng không thể bán quá nhiều vì e ngại tới khả năng mất cân bằng dự trữ ngoại hối quốc gia. Dĩ nhiên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn trong tay vài công cụ để giảm việc găm giữ USD như giảm tỉ lệ giữ trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại từ 20% xuống một tỉ lệ thấp hơn, hay giảm lãi suất tiền gửi USD đối với cá nhân, thậm chí có thể đưa xuống lãi suất âm (để không khuyến khích dân chúng giữ USD với các ngân hàng) và dùng các biện pháp mạnh tay như tịch thu tang vật, bắt giữ các thành phần tham dự chợ đen ngoại tệ. Nhưng Ngân hàng Nhà nước càng dùng nhiều biện pháp hành chính thì có nguy cơ làm nạn chợ đen sẽ bùng nổ.
Có lẽ, cần phải tính tới những giải pháp có tầm nhìn xa hơn bao gồm việc điều chỉnh tỉ giá thường xuyên hơn phù hợp với điều kiện thị trường và cần sự công khai thông tin về chính sách ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước hơn là những cam kết cứng nhắc nhưng không thực tế, để củng cố và giữ vững niềm tin cho thị trường, cho người dân và cho giới đầu tư. Đây mới là cách quản lý thị trường ngoại hối “linh hoạt”.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến ()