Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 15:22 (GMT +7)
Tân Hưng mô hình điểm sản xuất lúa theo hướng VietGAP vụ Hè Thu 2023
Thứ 6, 17/03/2023 | 10:25:16 [GMT +7] A A
Ngày 16/03, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) tỉnh Long An phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Tân Hưng tổ chức triển khai thực hiện mô hình điểm sản xuất lúa theo hướng VietGAP cho 25 nông dân là thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Thuận, ở xã Hưng Thạnh.
Tại đây, Trung tâm DVNN tỉnh phổ biến các giải pháp kỹ thuật ứng dụng trong mô hình, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và phương án phối hợp thực hiện mô hình. Nông dân khi tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ về giống, vật tư, thuê thiết bị trong 03 năm liên tiếp. Cụ thể, năm 1 hỗ trợ 50%, nhưng không quá 300 triệu đồng/mô hình; năm 2 hỗ trợ 30%, nhưng không quá 200 triệu đồng/mô hình; năm 3 hỗ trợ 20%, nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình.
Các hộ tham gia phải đáp ứng đủ các điều kiện để được hỗ trợ như: phải là thành viên của HTX; diện tích tối thiểu 50 ha/mô hình; có phương án, kế hoạch sản xuất trong 03 năm liên tiếp và được phê duyệt; duy trì kết quả hỗ trợ ít nhất 03 năm. Khi tham gia mô hình, nông dân phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận và sạ thưa mật độ 100 kg/hecta; phân hữu cơ bón gốc; phân đạm chậm tan; chế phẩm, sản phẩm phân hủy rơm rạ; gieo sạ bằng máy sạ cụm; phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay; thuốc BVTV gốc sinh học.
Buổi triển khai cũng được nghe 02 công ty phân bón hữu cơ là Đại Phát 2 và Thành Chào giới thiệu về sản phẩm phân hữu cơ của mình và chính sách hỗ trợ khi nông dân sử dụng sản phẩm.
Mô hình điểm sản xuất lúa theo hướng VietGAP được thực hiện tại 06 huyện-thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh gồm: Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Kiến Tường, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng với tổng diện tích 300 hecta. Trong đó 03 huyện gồm: Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Tân Hưng thực hiện mô hình năm thứ nhất với tổng diện tích 150 ha./.
Thành Nhân - Nguyễn Thắm
Ý kiến ()