Thứ Hai, 25/11/2024 03:30 (GMT +7)

Tân Hưng: Nguy cơ cháy lan và ô nhiễm môi trường do việc đốt đồng sau khi thu hoạch lúa

Thứ 3, 15/03/2022 | 10:35:00 [GMT +7] A  A

Hiện nay, nhiều nông dân vẫn còn thói quen đốt đồng sau khi thu hoạch lúa để tiêu diệt mầm bệnh và tận dụng lượng tro sau khi đốt để làm tăng độ phì nhiêu cho đất. Tuy nhiên đây là việc làm “Lợi bất cập hại”, vì vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tăng nguy cơ xảy ra cháy lan, nhất là vào thời điểm nắng nóng như hiện nay.

Rơm có thể dùng để phủ gốc cây trồng, rau màu, làm nấm; làm thức ăn cho gia súc hoặc xử lý thành phân bón hữu cơ

Được biết, việc đốt rơm, rạ trực tiếp trên đồng ruộng gây tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với lợi ích mà nó mang lại. Cách làm này sẽ làm cho nước trong đất bị bốc hơi, đồng ruộng trở nên chai cứng, khô cằn và bạc màu; đồng thời còn góp phần hủy diệt các sinh vật có lợi cho đồng ruộng, làm mất cân bằng hệ sinh thái, từ đó dễ phát sinh sâu bệnh gây hại trên lúa và làm tăng chi phí đầu tư. Bên cạnh, lượng khói bụi từ việc đốt rơm, rạ thải ra sẽ góp phần làm ô nhiễm không khí, môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đặc biệt, việc đốt đồng còn góp phần làm không khí nóng lên và trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay thì nguy cơ xảy ra cháy lan là rất lớn nếu gặp gió và không có người trông coi, xử lý kịp thời.

Người dân cần hạn chế việc đốt đồng nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe, môi trường và tránh nguy cơ cháy lan

Thiết nghĩ, đã đến lúc nông dân cần thay đổi thói quen và tập quán cũ, cần hạn chế việc đốt đồng nhằm góp phần bảo vệ không khí, môi trường, sức khỏe cho người dân và tránh nguy cơ cháy lan có thể xảy ra. Thay vì đốt rơm, rạ, nông dân hoàn toàn có thể sử dụng rơm, rạ một cách hữu ích như bán cho thương lái; dùng để phủ gốc cây trồng, rau màu, làm nấm; làm thức ăn cho gia súc hoặc xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất lại vừa thân thiện với môi trường./.

Duy Phước – Trúc Quyên

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu