Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 01:42 (GMT +7)
Tân Hưng: Nông dân tham quan mô hình nuôi thủy sản tại tỉnh Hậu Giang
Thứ 3, 19/09/2023 | 14:58:03 [GMT +7] A A
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Tân Hưng vừa tổ chức đoàn gồm 28 vị là các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn huyện và các ngành có liên quan đi tham quan mô hình nuôi thủy sản tại thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Tại thị xã Long Mỹ, đoàn huyện Tân Hưng được Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh Hậu Giang và Trạm Khuyến nông thị xã đưa đi tham quan thực tế mô hình ương nuôi lươn giống và lươn thịt tại Hợp tác xã nông nghiệp Lê Anh ở phường Thuận An. Nông dân được thông tin về quy trình nuôi lươn từ khâu chăm sóc lươn bố mẹ, ấp trứng, ương nuôi lươn con, cho đến cách xử lý bể khi nuôi lươn thịt. Chú ý nhất là cho ăn loại thức ăn nào để tạo màu vàng óng tự nhiên cho con lươn thịt xuất khẩu.
Tại thành phố Vị Thanh, đoàn được Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh Hậu Giang giới thiệu và đưa đi tham quan thực tế mô hình nuôi cá thác lác cườm của hộ ông Huỳnh Thanh Phong ở phường 5. Đây là mô hình chăn nuôi khép kín từ khâu thả nuôi đến khâu chế biến thành phẩm, cung cấp cho người tiêu dùng.
Chủ hộ chia sẻ, hiện gia đình đang thả nuôi cá thác lác cườm với diện tích gần 03 hecta mặt nước; thác lác con thả nuôi có mật độ 25 – 40 con/m2, sau từ 10 – 12 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 02 con/kg sẽ thu hoạch. Cá thác lác khó nuôi hơn các loại cá khác nên người nuôi cần nắm vững kỹ thuật và theo dõi tình trạng sức khỏe của cá mỗi ngày.
Điểm thú vị của hộ ông Huỳnh Thanh Phong là vừa nuôi cá thác lác, vừa kinh doanh quán ăn uống. Cá thác lác cườm sau khi thu hoạch sẽ được chế biến thành các món ăn đặc sản, cung cấp tại chỗ cho thực khách và có thể mua về làm quà biếu cho người thân hay bạn bè.
Đều mà nông dân tâm đắc nhất khi tham quan 02 mô hình nuôi thủy sản ở Hậu Giang là người chăn nuôi đều gắn với xuất khẩu, có được đầu ra ổn định cho vật nuôi.
Ngoài ra, đoàn còn được tham quan Điểm tư vấn và dịch vụ khuyến nông của Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh Hậu Giang. Đây là điểm tư vấn miễn phí về chính sách nông nghiệp, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản và truy xuất nguồn gốc nông sản; cung cấp các sản phẩm nông nhiệp chất lượng; cung cấp dịch vụ cơ giới hoá. Tại đây nông dân được xem các sản phẩm OCOP ở các địa phương trong tỉnh đang trưng bày như: gạo ST25, rượu khóm, trà mãng cầu, sữa chua dê sấy khô,…
Qua chuyến tham gian này nông dân nắm được kỹ thuật nuôi lươn, nuôi cá thác lác cườm đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời tạo điều kiện cho nông dân học tập kinh nghiệm mô hình mới, các đối tượng nuôi khác nhau, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả và bền vững, mang giá trị kinh tế cao./.
Thành Nhân
Ý kiến ()