Thứ Hai, 23/09/2024 12:28 (GMT +7)

Tân Hưng phát triển mô hình trồng cà na nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

Thứ 3, 30/08/2022 | 11:48:07 [GMT +7] A  A

Nhờ nguồn vốn 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Hưng xét cho vay, bà Trần Thị Toại ở ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa không mang lại hiệu quả kinh tế cao sang trồng cà na Thái và bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực giúp gia đình bà Toại có cuộc sống ổn định hơn.

Mô hình trồng cà na Thái bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho gia đình Trần Thị Toại.

Bà Trần Thị Toại, quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, năm 2008 bà Toại về sinh sống tại ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi cho đến ngày nay. Qua trao đổi, bà Trần Thị Toại cho biết gia đình bà có 02 hecta đất sản xuất nông nghiệp trồng lúa nhưng do diện tích này nằm vùng gò cao thường hay bị chuột cắn phá với lại những năm gần đây, dịch bệnh gây hại nhiều nên việc sản xuất lúa không mang lại hiệu quả cao, thậm chí còn bị thua lỗ, cuộc sống gia đình rơi vào cảnh khó khăn.

Tân Hưng phát triển mô hình trồng cà na Thái nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội

Năm 2020, trong một lần về lại quê ở tỉnh An Giang thấy người ta trồng cà na Thái đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, bà cũng muốn khi về thì trồng thử nhưng lại không có vốn để thực hiện dự định. Đến tháng 5/2020 bà Toại được Hội LHPN xã Vĩnh Lợi xét, đề nghị Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Hưng cho vay vốn hộ mới thoát nghèo và hồ sơ đã được duyệt với mức vay là 50 đồng.

Từ nguồn vốn này, bà Toại đã mua về trồng thử 40 gốc cà na Thái, sau hơn 01 năm thử nghiệm, nhận thấy cây cà na Thái cho trái bình quân từ 20-30 kg/cây, đặc biệt, loại cây này có thể cho trái quanh năm, trái trên cây hái chưa hết đã bắt đầu ra bông và cho trái tiếp, dễ trồng, chi phí đầu tư rất nhẹ so với các loại cây trồng khác.

Sản phẩm chế biến từ trái cà na đang là món ăn vật được nhiều người ưa thích.

Hiện tại giá mỗi kg cà na Thái được bán với giá là 20 ngàn đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí thì bà của có lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng mà lại ít tốn công chăm sóc nên bà đã mạnh dạng lên líp 01 ngàn mét vuông đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả cạnh nhà để trồng thêm 200 gốc cây cà na Thái nữa. Hiện tại, hơn 200 gốc cà na này cũng đã bắt đầu ra bông và cho trái non.

Bên cạnh đó, để tăng thêm thu nhập bà Toại còn trồng thêm 100 gốc ổi, mỗi năm ổi cho thu hoạch 02 đợt, mỗi đợt thu hoạch năng suất đạt khoảng 600 kg, với giá bán 10 ngàn đồng/kg, mỗi đợt thu hoạch như vậy bà cũng có lợi nhuận trên 5 triệu đồng. Nhờ đó, mà giờ đây cuộc sống gia đình của bà Toại cũng dần ổn định hơn trước rất nhiều.

Bà Trần Thị Toại đang thu hoạch trái cà na

Thành công bước đầu của mô hình trồng cà na thái từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Hưng, không chỉ giúp gia đình bà Toại từng bước vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống mà còn mở ra một hướng đi mới về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương, góp phần cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian tới./.

Duy Phước

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu