Thứ Hai, 23/09/2024 10:23 (GMT +7)

Tân Hưng: Phụ nữ xã Hưng Điền B vượt khó, thoát nghèo

Thứ 6, 05/08/2022 | 12:00:49 [GMT +7] A  A

Dù không có ruộng đất sản xuất, bản thân cũng không có nghề nghiệp nhưng nhờ tính cần cù, biết tính toán làm ăn và sử dụng nguồn vốn vay tín dụng đúng mục đích nên chị Phan Thị Diệu An, ấp Gò Pháo xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị An là điển hình tiêu biểu về tinh thần vượt khó vươn lên thoát nghèo ở địa phương, được chị em hội viên phụ nữ trong xã quý mến và học hỏi kinh nghiệm thực hiện mô hình phát triển kinh tế gia đình.

Mỗi năm chị Phan Thị Diệu An xuất bán 2 đợt heo thịt, thu về lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng.

Chị Phan Thị Diệu An cho biết: Trước đây, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, Chồng chị là anh Trần Phi Hùng dù có học được nghề thợ mộc nhưng vì không có vốn mở cơ sở tại nhà, vì thế mà anh phải đi làm công cho các cơ sở mộc ngoài địa phương nên thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Còn chị thì hàng ngày phải đi làm thuê cho người dân trong xóm, ai thuê gì làm nấy để mưu sinh. Biết được hoàn cảnh khó khăn của chị, năm 2014 Chi hội phụ nữ ấp Gò Pháo đã xét và đề nghị về Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Hưng cho chị vay 8 triệu đồng. Từ số tiền này, chị An lấy một phần để xây dựng chuồng trại, số còn lại chị mua 10 con heo con về nuôi.

Sau khi mua được đàn heo, chị An dành phần lớn thời gian trong ngày để chăm sóc đàn heo của mình. Nhờ vậy mà đàn heo phát triển khỏe mạnh. Sau 5 tháng chăm sóc, chị An xuất bán lứa heo đầu tiên và thu lợi nhuận được 20 triệu đồng.

Cứ bán đợt heo này chị lại mua đợt heo con khác về tiếp tục nuôi, trung bình mỗi năm chị An xuất bán được 2 đợt heo thịt và thu lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng. Hiệu quả từ việc nuôi heo thịt mang lại, năm 2018 chị An đã trả hết nợ vay từ Phòng giao dịch Ngân hành chính sách xã hội huyện Tân Hưng và đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Anh Trần Phi Hùng (Chồng chị An) phát triển nghề mộc tại gia đình và có nguồn thu nhập ổn định.

Dù đã thoát được cảnh nghèo nhưng để có cuộc sống gia đình phát triển hơn, ngoài việc duy trì đàn heo, năm 2018 chị An còn dùng số tiền tích lũy được để mua 01 con bò về nuôi sinh sản. Mỗi năm bò đều sinh sản 01 lứa, nếu là bò cái thì chị giữ lại nuôi sinh sản, bò đực thì bán để xoay sở công việc gia đình. Cứ vậy mà kinh tế gia đình ngày càng phát triển, mỗi năm sau 2 đợt xuất bán heo thịt và 01 con bò con, trừ chi phí đầu tư thì chị An cũng bỏ túi khoảng 50 triệu đồng.

 Song song đó, để phát triển nghề mộc và tạo điều kiện để chồng chị có công việc ổn định tại nhà. Chị An tiếp tục vay 50 triệu đồng nguồn vốn tín dụng ưu đãi để mua các thiết bị cần thiết phục vụ nghề mộc của chồng. Với tính tỉ mỉ, khéo tay nên các sản phẩm như bàn, ghế, tủ của anh Hùng (Chồng chị An) làm ra đều rất tinh xảo, đáp ứng nhu cầu của khách hàng nên được nhiều người biết đến và đặt hàng làm liên tục. Nhờ vậy mà thu nhập từ nghề mộc cũng khá ổn định, trung bình khoảng 30 triệu đồng mỗi năm. Hiện chị An còn đàn heo thịt 10 con, trọng lượng 40 kg/con và 8 con heo thịt trọng lượng khoảng 100 kg/con chuẩn bị xuất bán, ước tính lợi nhuận cũng hơn 20 triệu đồng. Hiện cuộc sống gia đình chị An đã ổn định hơn trước và vươn lên thành hộ có mức sống trung bình ở địa phương.

Thời gian qua, Hội cũng thường xuyên quan tâm hỗ trợ về vốn vay để chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo có điều kiện chăn nuôi, sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, tổng dư nợ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi do Hội phụ nữ xã quản lý 19,7 tỷ dồng với 425 hộ vay. Trong đó có 28 hộ phụ nữ là hộ nghèo, cận nghèo và 131 hộ thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn. Qua kiểm tra, hầu hết các chị đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Tiêu biểu có chị Phan Thị Diệu An, hội viên Chi hội phụ nữ ấp Gò Pháo. Với số tiền vay được, chị đã mạnh dạng đầu tư vào việc chăn nuôi heo, nuôi bò sinh sản và mang lại lợi nhuận khá, giúp gia đình chị An có cuộc sống ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững. Bà Lương Thị Ngọc Út – Chủ tịch Hội Liên hiện phụ nữ xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng nói.

Với tính cần cù, chịu khó trong lao động, chăn nuôi và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Hưng, Giờ đây, gia đình chị An đã thoát được cảnh nghèo khó và có cuộc sống ổn định.

Văn Sách

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu