Thứ Hai, 25/11/2024 07:32 (GMT +7)

Tân Thạnh những đổi thay trên vùng đất anh hùng

Thứ 4, 11/05/2022 | 20:58:25 [GMT +7] A  A

Tân Thạnh là huyện vùng quê thuộc khu vực Đồng Tháp Mười chuyên sản xuất nông nghiệp dù vẫn mang dáng dấp của vùng quê, song nhiều mặt đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện được nâng lên. Các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên minh chứng cho sự thay đổi diện mạo của vùng quê ngày nào.

Xã Tân Hòa đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020

Về xã Nhơn Hoà Lập anh hùng trong những ngày tháng Tư lịch sử. Dưới cái nắng chói chang, 2 bên đường là những cánh đồng lúa bạt ngàn; những căn nhà ngói đỏ, mái tole san sát; giao thông nông thôn phát triển; cầu ván, cầu vĩ đều được xóa bỏ, thay vào đó là những cây cầu bê tông vững chắc; hệ thống trường, lớp được xây dựng khang trang. Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, người dân Nhơn Hoà Lập cùng cả nước đoàn kết chống giặc, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Nguyễn Chí Thành, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hoà Lập, huyện Tân Thạnh, chia sẻ: “Sau khi chiến tranh kết thúc, kinh tế của người dân xã Nhơn Hòa Lập gặp nhiều khó khăn. Phát huy truyền thống cách mạng xã nh hùng LLVTND, với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, cùng nhiều chính sách hỗ trợ, Nhơn Hoà Lập hôm nay từng bước thay đổi, KT-XH không ngừng phát triển, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên”.

Các mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân khu vực nông thôn

Trên nền tảng xã văn hóa năm 2011, Nhơn Hoà Lập nỗ lực xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Trường lớp, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học được đầu tư, nâng cấp. Xã có trạm Y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia, 100% ấp được công nhận ấp văn hóa, 100% hộ sử dụng điện thường xuyên, trên 99% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Xã có Tổ hợp tác sản xuất lúa giống tại ấp Nguyễn Sơn, hàng năm, Tổ hợp tác có ký hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho thành viên với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam hoạt động hiệu quả, các mô hình nuôi lươn, ếch, ốc, nhận hàng gia công,...góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập người dân, bình quân đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm.

Rời Nhơn Hoà Lập chúng tôi đến với xã Tân Hoà, 1 trong 5 xã của huyện Tân Thạnh được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”. Theo con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ chạy dọc trong xã; ven đường là những hàng rào cây kiểng, cây xanh được cắt gọn gàng, trông rất đẹp. Nhiều ngôi nhà khang trang nằm ẩn hiện trong những vườn dừa, xoài, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Đức - một cán bộ hưu trí ngụ ấp Trung, xã Tân Hoà. Mặc dù đã bước sang tuổi 72, với 40 năm tuổi Đảng nhưng ông vẫn nhớ và kể rất rõ cảm xúc từng thời kỳ của quê hương Tân Hòa. Ông Đức cho biết chiến tranh kết thúc, để lại cho Tân Hòa nhiều hậu quả nặng nề. Kinh tế nghèo nàn, sản xuất lạc hậu, đời sống của hộ dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, đã từng bước làm thay đổi bộ mặt của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Đức chia sẻ thêm:“Hiện nay đời sống nhân dân trong xã thay đổi rất nhiều, nếu như ngày trước đây người dân chỉ sản xuất lúa 1 vụ thì giờ đây người dân sản xuất lúa lên đến 3 vụ ăn chắc, nâng suất rất cao. Hiện nay nhà cửa khang trang, đường xá thuận tiện, cầu giao thông nông thôn đều khắp các ấp trong xã, trường, trạm đạt chuẩn, người dân rất phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền”.

Về Tân Hòa hôm nay thấy được sự đổi thay, phần lớn đường giao thông trên địa bàn xã đều đã kiên cố hóa, kết quả đáng tự hào từ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương. Càng tự hào hơn khi có những con đường của "ý Đảng-lòng dân". Phong trào làm đường giao thông còn đánh dấu thành công của địa phương này trong công tác Dân vận và sự đồng lòng xây dựng quê hương của người dân một xã anh hùng. Bà Trần Thị Đẹp ngụ tại ấp Tây Bắc, xã Tân Hòa là điển hình trong hiến đất làm lộ giao thông nông thôn.

Trước đây khu vực đất làm ruộng của đường bờ Tây Cà Nhíp chỉ làm được có 2 vụ lúa và chỉ là con đường nhỏ, thấp khi được chính quyền vận động làm khu đê bao để nâng vụ lúa lên làm 3 vụ, gia đình đã hiến 6.000m2 đất và hiện nay để làm đường giao thông đạt chuẩn gia đình lại tiếp tục hiến thêm 3.000m2 nữa, bà Trần Thị Đẹp ngụ tại ấp Tây Bắc, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, chia sẻ:“Trước đây đường xá đi lại khó khăn, tôi bàn với gia đình tự nguyện hiến đất làm đường để người dân đi lại dễ dàng, nhất là các em học sinh đến trường an toàn. Qua đây, chung tay cùng chính quyền địa hương phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao”.

Diện mạo giao thông nông thôn không ngừng thay đổi phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân

Lĩnh vực nông nghiệp có sự thay đổi rõ nét nhờ tập trung phát triển hệ thống thủy lợi, đầu tư xây dựng các khu đê bao khép kín, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho người nông dân. Đặc biệt việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Ông Huỳnh Văn Tốt ngụ tại ấp Trung, xã Tân Hòa gia đình có 2 ha đất sản xuất lúa nhưng với tình trạng thường xuyên được mùa thì rớt giá, được giá thì mất mùa làm cho gia đình không lúc nào dư giả.

Được sự đầu tư của địa phương làm khu đê bao khép kín, ông chuyển đổi 7 công đất ruộng sang trồng mít Thái, hiện nay đã thu hoạch bán được mùa thứ 3 với hiệu quả cao, ông Huỳnh Văn Tốt, chia sẻ:“Trước đây vùng đất này làm ruộng nhờ xã xây dựng khu đê bao nên tôi chuyển sang trồng mít Thái tôi thấy lợi nhuận cao hơn lúa rất nhiều. Người nông dân làm ruộng cứ bấp bênh, trồng mít Thái cho thu nhập cao, có điều kiện trang trải cuộc sống gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống”.

Thời gian qua, Tân Hoà tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, đặc biệt là các mô hình liên kết sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác) góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đến nay, hộ nghèo của xã còn 1,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 51 triệu đồng/năm.

Ông Võ Minh Dương, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, cho biết:“Xã Tân Hòa xác định sản xuất nông nghiệp là chính, thời gian tới, xã tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo chỉ đạo của huyện. Xã hướng dẫn nông dân sử dụng giống lúa có năng suất và chất lượng cao; triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho nông dân; thực hiện tốt các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Đồng thời, xã duy trì nâng chất các tiêu chí nông thôn mới đã đạt, phấn đấu xã đạt nông thôn mới nâng cao trong năm 2022”.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng nâng lên

Với những thành quả trong kháng chiến và trong xây dựng quê hương, đến nay huyện có 10/12 xã đạt xã nông thôn mới (trong đó có 02 xã đạt xã NTM nâng cao) và 01 thị trấn Tân Thạnh đạt đô thị văn minh. Điều không thể phủ nhận là sự chuyển mình đi lên của các địa phương này luôn gắn liền với một tập thể lãnh đạo đoàn kết, năng động và sáng tạo. Tất cả mọi chủ trương của cấp ủy, chính quyền đều được công khai ra dân với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Chính vì vậy, người dân luôn tin tưởng và sẵn sàng chung tay góp sức cùng chính quyền địa phương. Tháng tư, về thăm các xã anh hùng không chỉ để vui với sự vươn lên đổi thay từng ngày của vùng đất này, mà còn để thấy truyền thống lịch sử anh hùng đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho người dân nơi đây dựng xây cuộc sống mới./.

Ngọc Diệu-Chí Tâm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu