Thứ Bảy, 30/11/2024 01:41 (GMT +7)

Tăng trưởng kinh tế phải toàn diện, cho con người, vì con người

Thứ 5, 16/11/2017 | 09:46:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Đây là nhận định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy” diễn ra tại Hà Nội.

“Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng toàn diện, nhưng động lực chính hiện nay lại phân tán. Nỗi lo và bài toán lớn nhất của Việt Nam hiện nay là tránh một nền kinh tế hai khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước”. Đây là nhận định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy” do Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 15/11, tại Hà Nội.

Trong 3 quý vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, những mục tiêu Chính phủ đặt ra cho kế hoạch 5 năm tới là rất thách thức. Tăng trưởng kinh tế dựa trên nguồn lực cũ hiện không còn phù hợp, thậm chí đem lại rủi ro cho nền kinh tế. Cho nên thời gian tới, cần tìm ra động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững hơn. Động lực mới tăng trưởng phải nâng cao năng suất, hướng tới số lượng gắn với chất lượng tăng trưởng.

tang truong kinh te phai toan dien cho con nguoi vi con nguoi hinh 1
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo Kinh tế Việt Nam – động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện nhiều đánh giá cho rằng Việt Nam đang tồn tại sự lệch pha trong nền kinh tế, hình thành hai khu vực phát triển biệt lập nhau là đầu tư trực tiếp nước ngoài và khu vực trong nước.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kết nối như thế nào khi mà hiện trạng phát triển thời gian qua cho thấy hai khu vực này chưa kết nối và phát triển đồng đều. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tăng trưởng một cách toàn diện, nhưng động lực chính hiện nay lại phân tán.

Về các chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng, Phó Thủ tướng bày tỏ lo ngại về số liệu thống kê và độ tin cậy của ngành thống kê, bởi hiện Việt Nam còn thiếu nhiều chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng. Do đó, Chính phủ muốn tự mình đặt ra, xác định hệ thống chỉ tiêu để phấn đấu và thực hiện.

Về chiến lược tăng trưởng, Phó Thủ tướng khẳng định: “Quan điểm của Chính phủ là phải tăng trưởng toàn diện, cho con người, vì con người. Nếu tăng trưởng không vì con người, người dân không được tận hưởng thì không có ý nghĩa. Đặc biệt, tăng trưởng phải bền vững nhằm mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Muốn phát triển nhanh và bền vững không có cách nào khác chúng ta phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phải tái cơ cấu lại. Chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng theo kiểu cũ, theo chiều rộng là chủ yếu sang chiều sâu.

Động lực tăng trưởng phải dựa trên một nền tảng toàn diện kể cả ba khu vực nhưng đối với đất nước như Việt Nam chúng ta phải chăng là nền tảng phải dựa trên nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Về nguồn lực tăng trưởng thì nguồn lực trong nước là quyết định và ngoài nước có ý nghĩa quan trọng.

Chúng ta phải giải quyết bài toán này như thế nào? Về phương thức tăng trưởng, phải chuyển từ tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ năng suất thấp sang tăng trưởng dựa trên năng suất lao động chất lượng tăng trưởng dựa trên đổi mới và sáng tạo nhất là trong điều kiện cách mạng 4.0 hiện nay”.

Trước bối cảnh thế giới xoay chuyển với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến về động lực tăng trưởng thời gian tới của Việt Nam. Trong đó, cái khó hiện nay là phải giải được bài toán kép làm sao vừa đạt tăng trưởng cao, vừa đảm bảo chất lượng.

Động lực phát triển cho nền kinh tế Việt Nam thời gian tới cần tập trung vào 3 trụ cột quan trọng, bao gồm thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng. Đây là 3 yếu tố tạo nền móng sẽ giúp tăng trưởng kinh tế chứ không cần tìm động lực mới.

tang truong kinh te phai toan dien cho con nguoi vi con nguoi hinh 3
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thời gian qua, với sự nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện. Tuy nhiên, trong khi Chính Phủ nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nhưng một số bộ, ngành, địa phương vẫn tìm cách giữ lại điều kiện kinh doanh để gây khó dễ cho doanh nghiệp. Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung khẳng định muốn giải quyết được dứt điểm điều này, phải cải cách về thể chế gắn với nền hành chính công.

“Vấn đề bức xúc nhất của môi trường kinh doanh hiện nay đầu tiên là chi phí. Phải giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí Logistics, chi phí tài chính. Giảm gánh nặng chi phí thì chắc chắn lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng lên, qua đó, tạo ra xung lực, động lực mới cho doanh nghiệp phát triển.

Chúng ta đang có đà để bỏ đi một nửa số điều kiện kinh doanh. Các Bộ đã nỗ lực, chúng ta phải thúc đẩy, phải tạo áp lực hành chính trong nội bộ, áp lực từ công luận, từ bên ngoài để các bộ trưởng, các Chủ tịch UBND tỉnh phải làm đúng như cam kết và đúng như Nghị quyết của Chính phủ” – Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung chỉ rõ.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế là cần thiết nhưng phải chọn lĩnh vực mũi nhọn, không dàn trải. Kinh tế tư nhân tuy đang được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng năng suất lao động của khu vực này còn thấp và vẫn bị đối xử bất bình đẳng so với các thành phần kinh tế khác. Do vậy, cần đẩy mạnh phát huy nội lực, đặc biệt là tạo động lực mạnh hơn nữa cho kinh tế tư nhân phát triển cùng với việc tạo các định chế cần thiết cho kinh tế thị trường và nâng cao năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân./.

Cẩm Tú/VOV-Trung tâm Tin

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu