Thứ Ba, 26/11/2024 23:23 (GMT +7)

Tạo cơ chế đối thoại liên tục, chặt chẽ giữa Chính phủ với doanh nghiệp

Thứ 3, 22/12/2020 | 19:55:00 [GMT +7] A  A

Sáng 22/12 tại Hà Nội, Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng thế giới và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2020 (VBF) với chủ đề: “Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới”.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tham gia sự kiện cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng các hiệp hội doanh nghiệp như Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KoCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI)…

Quang cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2020 (VBF) với chủ đề: “Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới”. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của VBF – sự kiện được tổ chức thường niên để tạo nên một cơ chế đối thoại liên tục, chặt chẽ giữa Chính phủ với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Điều này nhằm nỗ lực cải thiện hệ thống cơ sở pháp luật, các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư và đóng góp to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cùng đồng hành với Chính phủ, VBF đã đưa ra nhiều sáng kiến có hữu ích và có giá trị, đem lại hiệu quả trong việc triển khai các chính sách kinh tế tài chính để kịp thời đáp ứng nhu cầu và sự mong mỏi của số đông doanh nghiệp; nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay. Chính phủ đặc biệt coi trọng những đóng góp và sự nỗ lực chung tay ấy.

“Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới” là chủ đề rất phù hợp với tình hình COVID-19 trong năm nay, vốn đang tác động tiêu cực và gây tổn thất nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp phải chịu phá sản, giải thể hoặc ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ, Chính phủ Việt Nam sẽ không ngừng nghỉ và nỗ lực hết sức để duy trì những thành quả kinh tế đạt được; đảm bảo thực hiện được mục tiêu kép là vừa khống chế dịch bệnh, vừa giữ nhịp độ tăng trưởng dương, thậm chí là đạt mức tăng 2,4% trong năm nay như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo.

Để thực hiện được những chỉ tiêu và kỳ vọng về phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng, Chính phủ sẽ kiên định triển khai các giải pháp như ổn định chính trị kinh tế, tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh; đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đón nhận các dòng vốn đầu tư mới hay tận dụng tối đa hiệu quả thu lại từ các hiệp định thương mại tự do đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Song song đó, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm hàng hóa Việt Nam ra thế giới để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.

Bình luận về những thành quả đạt được trong năm 2020, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch VBF nhấn mạnh, trong năm qua, Việt Nam nổi lên một trong những điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới.

Theo ước tính và dự báo từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn ở mức từ 2-3% trong năm 2020 và Việt Nam là một trong số hiếm hoi các nước có mức tăng trưởng dương trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng qua vẫn tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019, ước tính đạt 489,1 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2020 đạt 26,4 tỷ USD, chỉ giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh trên toàn cầu do tác động của đại dịch COVID-19, kết quả này là tốt hơn nhiều so với các quốc gia khác và thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong giới đầu tư quốc tế.

Những thành công kinh tế nêu trên chính là nhờ kết quả của sự cố gắng vượt bậc của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chưa từng có này. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên kịch bản để ứng phó với khó khăn, rất nỗ lực duy trì sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, thay đổi sản phẩm để tồn tại. Các doanh nghiệp đều cố gắng có đơn hàng dù nhỏ để bảo đảm cho người lao động có việc làm, có thu nhập.

Nhiều dự báo cho thấy, năm 2021 vẫn là năm kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn và Việt Nam không là ngoại lệ. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các cơ hội hội nhập từ các Hiệp định thương mại tự do nói chung và từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) nói riêng để phục hồi từ COVID-19 và tiếp tục phát triển.

Cũng tại diễn đàn, khi nhắc tới những kế hoạch triển khai trong tương lai gần để Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Việt Nam đang hướng đến các mục tiêu.

Đó là, tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng thời, đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển và đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế…

Ngọc Quỳnh (TTXVN)
https://baotintuc.vn/thoi-su/tao-co-che-doi-thoai-lien-tuc-chat-che-giua-chinh-phu-voi-doanh-nghiep-20201222113137259.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu