Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 20:06 (GMT +7)
Tạo điều kiện để kiều bào đóng góp xây dựng đất nước
Thứ 4, 03/02/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam đã trả lời phỏng vấn báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Thưa Thứ trưởng, tiềm lực chất xám luôn được coi là thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức những chương trình và hành động như thế nào để mời gọi các chuyên gia, trí thức kiều bào về xây dựng đất nước?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam. |
Nhà nước có chủ trương xây dựng chính sách tổng thể để thu hút tri thức kiều bào trở về đóng góp cho đất nước. Từ khi đất nước độc lập năm 1945, Bác Hồ đã có những chính sách cụ thể để thu hút tri thức. Điển hình như GS Trần Đại Nghĩa là một tri thức có đóng góp lớn trong suốt quá trình tham gia đấu tranh giành độc lập và giải phóng miền Nam. Trong tình hình hiện nay, đất nước rất cần nguồn tri thức để đóng góp xây dựng nền kinh tế với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ. văn minh. Bà con kiều bào rất quan tâm và hưởng ứng vấn đề này.
Trên thế giới có khoảng hơn 400.000 tri thức kiều bào và số lượng kiều bào về nước thường xuyên hàng năm khoảng 300 – 400 người, chưa kể tri thức kiều bào về tham dự hoạt động thời vụ, hoạt động ngắn hạn hay tham gia giảng dạy, tọa đàm, trao đổi … cũng rất đông. Ngoài ra nhờ phương tiện công nghệ cao, trí thức kiều bào đã có những đóng góp thiết thực cho công cuộc phát triển đất nước. Ví dụ như GS Ngô Bảo Châu đã gửi video rất bổ ích và ý nghĩa để tham vấn về cải cách giáo dục của Việt Nam. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng tổ chức tọa đàm về công tác giảng dạy tiếng Việt, tọa đàm về công tác hội đoàn rất thành công và được bà con tham gia tích cực.
Thứ trưởng có thể chia sẻ những khó khăn trong việc kêu gọi kiều bào về nước cũng như các hoạt động dành cho kiều bào?
Đầu tiên tôi phải nhấn mạnh thuận lợi trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là Đảng, Nhà nước có chính sách thông thoáng, phù hợp với lợi ích và ý nguyện của bà con. Bên cạnh đó, tất cả kiều bào đều chung tấm lòng hướng về Tổ quốc và mong muốn góp sức mình xây dựng đất nước. Tuy nhiên, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài khá đông và mỗi quốc gia lại có mặt bằng khác nhau về kinh tế, văn hóa, xã hội… Cho nên, chính sách là vĩ mô chung nhưng để triển khai chính sách tới từng địa bàn một thì phải rất cụ thể, chi tiết. Tôi cho rằng đây là khó khăn lớn, thách thức đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, làm sao phải xây dựng chính sách phù hợp đối với từng địa bàn một, từng nước một và thậm chí với một nước có nhiều vùng khác nhau thì chúng ta phải có chính sách khác nhau. Tôi lấy ví dụ như việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Với các nước phát triển ở châu Âu thì phương thức giảng dạy, giáo trình và cách thức tiếp cận khác so với giảng dạy cho người Việt Nam ở những nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan… Tuy nhiên, chính khó khăn này khiến chúng ta phải đổi mới và là động lực để Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng như các Bộ, ngành tập trung nghiên cứu để xây dựng chính sách phù hợp với từng đối tượng.
Trong thời gian tới, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước sẽ có những đề xuất, kiến nghị như thế nào để trình lên Chính phủ nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho bà con kiều bào khi trở về với quê hương?
Đề xuất lớn nhất là mong muốn tất cả các cấp, cơ quan trung ương và địa phương nhất quán từ trên xuống dưới trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước. Chúng ta đã có Chỉ thị 45 tiếp nối Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, trên có sở đó triển khai toàn diện hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này. Tôi mong rằng các Bộ, ngành địa phương nhanh chóng xây dựng chương trình hành động của mình và từ đó thay đổi nhận thức. Đơn cử như vấn đề mua nhà dành cho người Việt Nam ở nước ngoài. Quyền mua nhà ở trong nước phù hợp với nguyện vọng bà con, phù hợp với nhu cầu phát triển về bất động sản và đô thị của đất nước. Thế nhưng hiện nay bà con về mua nhà ở một số địa phương, một số thành phố vẫn rất khó khăn. Đó là do những hiểu biết khác nhau về chính sách hay giấy tờ áp dụng. Chúng tôi đang nỗ lực cùng với các địa phương giải quyết vấn đề này nhằm thống nhất trên cả nước một nhận thức chung. Chẳng hạn khi muốn đầu tư, bà con biết phải làm việc cụ thể gì để được giải quyết và cấp phép? hay khi muốn mua nhà, bà con phải có những giấy tờ gì? Làm được điều đó mới đáp ứng nguyện vọng của kiều bào và bà con không khỏi tâm tư.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.
Ý kiến ()