Thứ Bảy, 23/11/2024 17:03 (GMT +7)

Tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư bào chữa

Thứ 7, 07/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

 

Ngày 6/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Theo các đại biểu, việc rút ngắn thời gian và thủ tục cấp đăng ký bào chữa sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho luật sư.

Thay “Giấy chứng nhận” bằng “Giấy đăng ký”

Quy định quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

Để tham gia bào chữa trong vụ án hình sự, người bào chữa phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Việc cấp “Giấy chứng nhận bào chữa” chính là tạo điều kiện cho người bào chữa tham gia tố tụng hoặc làm việc với các cơ quan, tổ chức hữu quan. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa trong một số trường hợp còn có vướng mắc, khó khăn không phải do quy định pháp luật mà là do quá trình tổ chức thực hiện cần được chấn chỉnh, khắc phục. Để tránh nhận thức cho rằng phải có “cấp phép bào chữa” của cơ quan tiến hành tố tụng thì luật sư mới được tham gia bào chữa, dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đã thay quy định “cấp Giấy chứng nhận người bào chữa” bằng quy định “cấp Giấy đăng ký bào chữa”; đồng thời, rút ngắn thời gian và đơn giản thủ tục cấp Giấy đăng ký bào chữa.

Đồng ý với dự thảo, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng thời gian cấp giấy bào chữa đã giảm xuống 6 giờ đối với trường hợp bào chữa cho người bị bắt, 12 giờ đối với trường hợp bào chữa cho người bị tạm giữ, 24 giờ đối với trường hợp bào chữa khác. Nhưng để thuận tiện hơn trong thủ tục, “đề nghị không nên quy định thời hạn cấp giấy, mà sau khi luật sư cung cấp đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể cấp ngay giấy bào chữa cho luật sư’, đại biểu Xuyền nói. Còn theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), nếu cơ quan tố tụng từ chối cấp Giấy đăng ký bào chữa thì trong thời gian nhất định phải trả lời, để tránh trường hợp hẹn kéo dài.

Còn theo đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ), việc cấp “Giấy chứng nhận bào chữa” và “Giấy đăng ký bào chữa” về bản chất không có gì khác nhau. Như thế, sẽ tạo ra điểm nghẽn vô hình, tạo giấy phép con. Vì vậy, đề nghị chỉ cần luật sư đăng ký bào chữa là được. “Để thực hiện được điều này cần điều chỉnh quy định là giao trách nhiệm cho cơ quan tiến hành tố tụng nơi đầu tiên người đó đăng ký phải có trách nhiệm thông báo danh tính cho các cơ quan tiến hành tố tụng khác khi tham gia vụ án. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký bào chữa chỉ cấp theo yêu cầu khi họ có nhu cầu giao dịch để thu thập chứng cứ đối với các cơ quan, tổ chức ngoài cơ quan tiến hành tố tụng”, đại biểu Khánh đề xuất.

Cũng theo đại biểu Khánh, ông đồng tình với dự thảo quy định người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ, nhưng cần quy định trách nhiệm của các cơ quan tổ chức các nhân, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu thu thập chứng cứ cho người bào chữa khi họ có yêu cầu nhằm tạo thuận lợi hơn cho luật sư.

Rút ngắn thời hạn tạm giam

Đa số đại biểu tán thành với dự thảo về việc rút ngắn thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo. Theo đó, thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đề nghị giữ quy định hiện hành về thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm khác đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp (như giết người, cướp tài sản; ma túy, kinh tế, tham nhũng lớn) mà không có căn cứ để hủy bỏ, thay đổi biện pháp tạm giam.

Theo đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình), việc rút ngắn thời hạn tạm giam là cần thiết, phù hợp tinh thần Hiến pháp, đảm bảo quyền con người. Bởi thực tế, thời hạn tam giam hiện quá dài (với tội ít nghiệm trọng là 3 tháng, tội đặc biệt nghiêm trọng là 23 tháng). Việc rút ngắn thời gian tạm giam cũng là để giảm thời gian điều tra.

Tuy nhiên, theo đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh), cần quy định trường hợp nào thì bắt tạm giam. Thời gian điều tra và tạm giam phải phù hợp với nhau để tránh điều tra viên cũng như tòa án, viện kiểm sát vi phạm tố tụng. “Hơn nữa, không thể thời gian điều tra dài hơn thời gian tạm giam. Vì trường hợp nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng không thể trả tự do cho bị cáo được thì dù gia hạn thế nào thì dài nhất cũng chỉ 16 tháng phải kết thúc điều tra, kết thúc tạm giam”, đại biểu Ánh nhấn mạnh.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề nghị chỉ tạm giữ lần hai với trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tạm giam cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm của quốc tế và sử dụng đồng bộ với các biện pháp ngăn chặn khác như bảo lãnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh… Để tránh lạm dụng việc tạm giam, “Đối với bị can, bị cáo phạm tội nhưng có nhân thân tốt, không có khả năng phạm tội tiếp thì không nhất thiết phải tạm giam mà áp dụng biện pháp khác để xử lý”, đại biểu Phong đề xuất.

Riêng đối với trường hợp là người chưa thành niên, theo đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng), nên cân nhắc áp dụng tạm giam với người chưa thành niên phạm tội nghiệm trọng, do cố ý, có tính bạo lực, gây nguy hiểm cho cộng đồng; còn với tội nghiêm trọng, do cố ý nhưng chỉ thuần túy liên quan đến tài sản hoặc trật tự an toàn xã hội mà không có tính bạo lực thì không nên áp dụng biện pháp này.

( TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu