Thứ Năm, 28/11/2024 00:50 (GMT +7)

Tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Thứ 5, 04/06/2020 | 08:22:00 [GMT +7] A  A

Sau hơn 1 tháng không có thêm ca lây nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng đã được cải thiện, đạt 37,9 tỷ USD tăng 5% so với tháng 4/2020.

Không những thế, với những nỗ lực vượt qua khó khăn, khối doanh nghiệp trong nước đã trở thành điểm sáng của hoạt động xuất khẩu góp phần giữ vững đà tăng trưởng hai con số.

Tiếp tục xuất siêu

Theo thống kê của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 5 qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng 4/2020 và giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng 4/2020 và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Các xe container chở hàng nông sản chờ làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI cũng tăng 7,6% so với tháng 4/2020 và giảm 22,3% so với cùng kỳ, đạt 11,9 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô). So với tháng 4/2020, kim ngạch xuất khẩu của cả 3 nhóm hàng chính đều tăng trong tháng 5/2020.

Theo các chuyên gia thương mại, nếu tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 33,30 tỷ USD.

Đây được xem là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm 2020 đến nay, nhất là trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (bao gồm cả dầu thô) giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019 do tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Phân tích kỹ hơn về các nhóm hàng xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu của cả ba nhóm hàng chủ lực đều sụt giảm. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 đã khiến các đối tác cắt giảm đơn hàng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu.

Vì vậy, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản có mức giảm cao nhất lên tới 31,3%. Tiếp theo là nhóm hàng nông, thuỷ sản với mức giảm 4,7% và nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức giảm thấp nhất là 1,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Về thị trường hàng hoá xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng với kim ngạch đạt 24,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đó lần lượt là các thị trường Trung Quốc, EU, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2020 đạt 97,48 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ. Do đó, cán cân thương mại đang nghiêng về nhập siêu 900 triệu USD. Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải, nếu tính chung cả 5 tháng, Việt Nam lại tiếp tục xuất siêu 1,88 tỷ USD cao hơn nhiều so với con số thâm hụt 256 triệu USD của 5 tháng đầu năm 2019.

Như vậy tiếp nối tháng 4, hoạt động thương mại trong tháng 5 của Việt Nam mặc dù đã có những khởi sắc nhưng vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.

Đáng lưu ý, Việt Nam vẫn nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ thị trường Trung Quốc, đạt 28,8 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019. Các nước có kim ngạch nhập khẩu lớn tiếp theo lần lượt là Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Mỹ và EU.

Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, việc Việt Nam xuất siêu gần 1,9 tỷ USD trong 5 tháng là điều đáng ghi nhận bởi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động giao thương tại các cửa khẩu biên giới Trung Quốc hạn chế. Cùng với đó, tại nhiều thị trường khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông cũng áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tạo thêm lực đẩy

Đại diện Vụ Kế Hoạch (Bộ Công Thương) chia sẻ, vài tuần trở lại đây, khi các đối tác thương mại lớn dần dỡ bỏ các biện pháp chống dịch và tái khởi động kinh tế được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho hoạt động thương mại toàn cầu trong những tháng tiếp theo.

Dù vậy, theo nhận định từ Vụ Kế hoạch, trong ngắn hạn hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Chính bởi vậy, xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Hơn nữa, để cải thiện tình trạng đứt gẫy trong chuỗi cung ứng, các nước châu Âu từng bước mở cửa trở lại và tung ra các gói kích cầu quy mô lớn, tăng cường chi tiêu tài khóa để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động. Đặc biệt, cuối tháng 5 vừa qua tất cả 50 tiểu bang ở Hoa Kỳ đã mở cửa lại từng phần sau khi đóng cửa 2 tháng để thực hiện các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19.

Để góp phần hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã sớm tính đến việc triển khai các hình thức xúc tiến thương mại, khơi thông thị trường xuất khẩu cho hàng nông sản, thực phẩm chế biến sang các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ…

Hơn nữa, việc Việt Nam dự kiến phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vào ngày 8/6 cũng sẽ tạo động lực cho việc phục hồi kinh tế và kỳ vọng sẽ mang lại tín hiệu xuất khẩu tích cực hơn trong thời gian tới.

Đáng lưu ý, thời gian gần đây có nhiều thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam như LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Bên cạnh đó, theo Nikkei, trong quý II/2020, Apple sẽ sản xuất 3 – 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới.

Ngoài ra, Foxconn – nhà cung ứng linh kiện cho Apple – đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị vào đầu tháng 9 năm nay sẽ từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan. Những hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới.

Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cũng dự báo, nếu dịch COVID-19 được khống chế trong quý II/2020, dự kiến xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 nhờ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng trở lại cộng với những lợi thế cạnh tranh khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.

Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tiếp theo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, tính toán lại kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu năm 2020. Đồng thời, xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà ta có lợi thế, đặc biệt là sang thị trường EU và các thị trường mà Việt Nam đã có FTA.

Mặt khác, Bộ cũng nghiên cứu, nắm bắt thông tin về các xu thế sản xuất, tiêu dùng, thương mại, dịch chuyển đầu tư mới xuất hiện do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại các nước nhập khẩu cũng như đối thủ cạnh tranh, đề ra các giải pháp khai thác hiệu quả các thị trường xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai các hình thức xúc tiến thương mại, đặc biệt là các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm.

Không những thế, Bộ xây dựng, hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý quan hệ khách hàng tích hợp cơ sở dữ liệu doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam và chia sẻ quyền truy cập hệ thống cho hệ thống các Thương vụ, Trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cùng khai thác, sử dụng để tăng cường khả năng kết nối cơ hội kinh doanh, đầu tư.

Ngoài ra, thiết lập cơ chế liên kết bảo đảm trao đổi thông tin thông suốt với các Tham tán thương mại, các Vụ thị trường nước ngoài, các Hiệp hội ngành hàng, Trung tâm Xúc tiến thương mại địa phương và các doanh nghiệp trên cả nước trên các ứng dụng internet.

Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh triển khai các chuỗi các sự kiện, hội nghị, hội thảo, đào tạo tập huấn… hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thông qua trang thương mại điện tử nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mở rộng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm Việt Nam.

Uyên Hương (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/tao-dong-luc-thuc-day-xuat-khau-tang-truong-manh-20200603172949393.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu