Thứ Tư, 27/11/2024 07:47 (GMT +7)

Tạo thuận lợi tiếp cận tín dụng, phục hồi kinh tế

Thứ 4, 14/10/2020 | 09:05:00 [GMT +7] A  A

Dịch COVID-19 đã có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt với hệ thống các tổ chức tín dụng khi tăng trưởng tín dụng sụt giảm do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình trệ hoặc thu hẹp quy mô; mức độ vay tiêu dùng của người dân cũng giảm. Tuy nhiên, với những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, những tháng còn lại của năm, tín dụng vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam đã trao đổi với phóng viên TTXVN xung quanh vấn đề này.

Tín dụng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá như thế nào về mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động kinh doanh của hệ thống các tổ chức tín dụng từ đầu năm đến nay?

Đại dịch COVID-19 có tác động mạnh và sâu rộng đến kinh tế toàn cầu, không loại trừ bất cứ quốc gia nào. Nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, nên chịu tác động trực tiếp như nhiều nền kinh tế đang phát triển khác. Đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động kinh doanh từ đầu năm đến nay thể hiện trên một số điểm như sau:

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng mất đà và sụt giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019 do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhìn về tổng thể bị đình trệ hoặc thu hẹp quy mô; mức độ vay tiêu dùng của người dân cũng giảm.

Thứ hai, cùng với những biện pháp chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh như giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ, thực hiện các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội…, kết quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước cả về doanh thu và lợi nhuận.

Cuối cùng là nợ xấu có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến mục tiêu đưa tổng nợ xấu của toàn ngành về dưới 2% như kế hoạch đã đề ra.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, các tổ chức tín dụng đã tìm mọi cách khắc phục, coi đây là áp lực để tập trung đầu tư nâng cấp công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và cung ứng các dịch vụ trực tuyến mới, thuận tiện hơn cho khác hàng. Nhờ vậy, thanh toán trực tuyến và các dịch vụ ngân hàng trực tuyến khác, nhất là qua internet và qua điện thoại di động tăng trưởng mạnh hơn khi chưa có dịch.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có hướng dẫn các thành viên như thế nào trong thực hiện tốt Thông tư 01/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 đồng thời vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh, nhất là khi dịch quay lại lần 2, thưa ông?

Ngay khi Thông tư 01/TT-NHNN được ban hành, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đồng hành với các tổ chức hội viên khẩn trương và tích cực triển khai bằng nhiều chương trình, biện pháp hỗ trợ khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi, phí, tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận tín dụng, các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội, hỗ trợ lực lượng y tế, vũ trang và nhân dân ở các vùng bùng phát dịch bệnh…

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đề nghị các tổ chức hội viên nâng cao tính kịp thời, hiệu quả của các gói hỗ trợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khẩn trương hoàn thiện quy chế, quy trình nội bộ, làm rõ các tiêu chí và đối tượng khách hàng cần hỗ trợ, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Bên cạnh đó, phối hợp tốt giữa các tổ chức tín dụng, các cơ quan, ban ngành và các hiệp hội ngành hàng trên địa bàn nắm chắc tình hình, bảo đảm sự thống nhất trong thực thi chính sách hỗ trợ để đạt được hiệu quả cao nhất.

Đồng thời, xem xét điều chỉnh kế hoạch và phương thức kinh doanh cho phù hợp với sự thay đổi của môi trường, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; đồng thời có biện pháp xử lý phù hợp đối với nợ xấu gia tăng, bảo đảm an toàn hoạt động.

Cùng với đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đẩy mạnh thông tin, truyền thông, giúp công chúng hiểu rõ, hiểu đúng về hoạt động ngân hàng, kịp thời phản ảnh những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất, góp ý cơ chế, chính sách để Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chuyển tải đến các cơ quan quản lý, các tổ chức liên quan xem xét, giải quyết.

Trong quá trình thực hiện Thông tư 01/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng gặp một số khó khăn, vướng mắc, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã kịp thời tổng hợp, phản ảnh cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để nghiên cứu tháo gỡ.

Ngoài ra, để đồng hành và chia sẻ khó khăn với các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp tình hình, có nhiều văn bản và các cuộc họp đề nghị các doanh nghiệp và tổ chức liên quan trong và ngoài nước giảm bớt mức phí, giảm gánh nặng chi phí tuân thủ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi, phí cho khách hàng.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để hỗ trợ sản xuất trong nước, góp phần khôi phục kinh tế, cần tiếp tục giảm lãi suất, mở rộng đối tượng cho vay. Điều này có gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại không, thưa ông?

Trên thực tế, từ đầu năm 2020 đến nay, thực hiện giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại đã thực hiện 3 đợt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng với mức giảm tổng cộng lên đến 3 – 4%/năm.

Điều này đương nhiên làm giảm chênh lệch lãi suất “đầu ra – đầu vào”, từ đó tác động đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại đều tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì lợi ích chung của nền kinh tế, lấy đó làm cơ sở để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng hơn trong tiếp cận tín dụng, thúc đẩy phục hồi kinh tế, thực hiện mục tiêu kép Thủ tướng Chính phủ yêu cầu; đồng thời thông qua đó mà tăng cường cung ứng tín dụng và các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng, cải thiện tình hình hoạt động kinh doanh của chính các ngân hàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt từ 8 – 10%; trong khi đến nay mức tăng trưởng mới đạt trên 6%. Theo ông, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có giải pháp gì chỉ đạo các thành viên để đạt được mục tiêu này?

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp tục đồng hành với các tổ chức hội viên, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan quản lý thực hiện các giải pháp đã đề ra, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng tăng cho vay, nhất là đối với các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp tục đề nghị Nhà nước sớm tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối, đây là yêu cầu rất cấp thiết. Tham gia cùng các cơ quan quản lý tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp nói chung và cho các ngân hàng thương mại nói riêng.

Đồng thời, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng các tổ chức hội viên thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam với các tổ chức hội viên trong quá trình phát triển và ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại để cung ứng cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ mới, tiện lợi hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thay đổi của khách hàng.

Tôi hy vọng rằng, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, tận dụng tốt những điều kiện thuận lợi do Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu đem lại, nền kinh tế phục hồi nhanh từ nay đến cuối năm để các tổ chức tín dụng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước đề ra cho năm nay.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Dương/TTXVN (Thực hiện)
https://baotintuc.vn/tai-chinh-ngan-hang/tao-thuan-loi-tiep-can-tin-dung-phuc-hoi-kinh-te-20201013204210843.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu