Chiều qua 2/12, tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch nước vừa kết thúc buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ về tình hình phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn từ đầu năm đến nay. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và đại diện lãnh đạo các tỉnh thành trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Báo cáo với Chủ tịch nước, Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực cho biết 11 tháng qua, dưới sự chỉ đạo sâu sát Bộ Chính trị, Chính phủ và bộ, ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương tình hình kinh tế xã hội vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có bước phát triển khá, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và thương mại dịch vụ du lịch tăng so với cùng kỳ.
Giá gạo nguyên liệu xuất khẩu ổn định, tổng sản lượng thủy sản ước đạt hơn 3,3 triệu tấn; toàn vùng có 18,7% số xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Bên cạnh đó các hoạt động văn hóa xã hội, chính sách đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo được quan tâm thực hiện hiệu quả; quốc phòng, an ninh được đảm bảo ổn định.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng cho rằng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó việc giải quyết đầu ra cho nông sản của vùng thiếu ổn định, nhất là đối với 3 sản phẩm chủ lực như lúa gạo, cá tra và tôm; tái cơ cấu nông nghiệp diễn ra chậm; Hệ thống kết cấu hạ tầng, nước biển dâng còn hạn chế, yếu kém. Một số cơ chế chính sách đặc thù về liên kết hợp tác kinh tế, về nông nghiệp cho vùng chưa được ban hành do đó cần có giải pháp cụ thể để có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng cho biết trong khu vực đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ và cơ cấu lại sản phẩm tạo thương hiệu nên đã mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên chưa phát triển được ra diện rộng, quy mô, và quy hoạch chưa rõ, việc liên kết chỉ giữa doanh nghiệp với dân cũng hạn chế, hơn nữa việc liên kết vùng còn lúng túng do lợi ích bị chia sẻ, cạnh tranh lẫn nhau giữa các tỉnh, dẫn đến khó phát huy được sức mạnh của khu vực.
Về xây dựng nông thôn mới, khu vực là nơi có bước phát triển nhanh nhưng hiện việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn, nhất là các xã nghèo, đông đồng bào dân tộc. Chính phủ và Ban Chỉ đạo đang nỗ lực huy động nguồn vốn để thực hiện các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp dễ tác động đến kinh tế; bên cạnh đó Việt Nam tham gia vào rất nhiều Hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới như AFTA, TPP, với EU và Hiệp định thương mại tự do với nhiều nước đây không chỉ là cơ hội mà còn chịu sức ép cạnh tranh rất lớn, chi phối nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch nước cho rằng ĐBSCL là trọng điểm lớn về kinh tế nông nghiệp, những thành tựu qua 30 năm đổi mới đã chứng minh điều đó, hiện nay tiềm năng vẫn còn rất lớn, Ban chỉ đạo cùng các bộ ngành cần phải tập trung dồn sức để khai thác thế mạnh của khu vực nhất là nông nghiệp và thủy sản. Trong đó, phải tái cơ cấu lại cây trồng vật nuôi, chuyển dịch và nhân rộng những mô hình mang lại hiệu quả thời gian qua, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để gia tăng năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, đó cũng chính là tăng giá trị góp phần nâng cao đời sống của người dân và kinh tế đất nước.
Nhất trí với kiến nghị của các đại biểu về cần đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho vùng ĐBSCL, trong đó có việc đẩy mạnh triển khai các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối giao thông, Chủ tịch nước nhấn mạnh ngân sách còn hạn hẹp, do đó phải tính toán làm sao thu hút nhiều hơn nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào khu vực gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo ổn định quốc phòng an ninh… Có như vậy mới góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực trọng điểm phía Tây Nam Bộ của đất nước./.
Bài liên quan
HLV Pellegrini ca ngợi David Silva sau chiến thắng trước Hull City
Ý kiến ()